.

Nuôi dưỡng tình yêu sách từ thư viện trường học

Cập nhật: 19:57, 17/09/2020 (GMT+7)

Phát triển thư viện trường học là một trong những nội dung của Đề án phát triển văn hóa đọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện Đề án này, các trường học đã xây dựng nhiều mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… nhằm giúp HS hình thành thói quen đọc sách. 

Cô Hoàng Thị Dung, GV lớp 4A1 hướng dẫn HS trong giờ đọc sách tại “Thư viện thân thiện” Trường TH Nguyễn Viết Xuân.
Cô Hoàng Thị Dung, GV lớp 4A1 hướng dẫn HS trong giờ đọc sách tại “Thư viện thân thiện” Trường TH Nguyễn Viết Xuân.

- Hôm nay, chị và các em sẽ đọc cuốn sách Dế mèn phiêu lưu ký. Các em đã biết cuốn này chưa?

- Dạ chưa! 

- Vậy chị và các em cùng nhau đọc nhé: Dế mèn phiêu lưu ký…

- Bây giờ chị đố các em Dế mèn đã giúp Nhà trò như thế nào?

- Dạ, Dế mèn an ủi Nhà trò…

Đó là những lời đối thoại giữa em Nguyễn Thanh Trà, lớp 5/3, Trường TH Trương Công Định (TP. Vũng Tàu) với các em HS lớp 1 trong giờ đọc sách ở trường. Giờ đọc sách này có tên gọi “Thư viện thân thiện”, do Liên đội Trường TH Trương Công Định tổ chức, đã được duy trì gần 4 năm nay. Hoạt động này diễn ra vào các giờ ra chơi, theo mô hình sinh hoạt sao. Mỗi sao là một nhóm gồm 4-6 thành viên. Trong đó, HS lớp 5 là nhóm trưởng, các thành viên còn lại là HS lớp 1. Nhóm trưởng chịu trách nhiệm chọn, cùng các em đọc, tìm hiểu và trả lời câu hỏi theo nội dung sách.  

Em Nguyễn Thanh Trà chia sẻ: “Em đã tập cách đọc sách sao cho diễn cảm để các em lớp 1 nhập tâm hơn vào câu chuyện. Đồng thời, em cũng hướng dẫn các em trả lời câu hỏi để hiểu rõ về nhân vật và nắm bắt được nội dung câu chuyện, từ đó giúp các em yêu sách, thích đọc sách”. 

Cô Mai Thị Giang, Tổng phụ trách Đội, Trường TH Trương Công Định phân tích, cách đọc diễn cảm, đôi khi hóa thân thành nhân vật và đặt nhiều câu hỏi của các anh chị phụ trách sao lớp 5 sẽ khiến các em lớp 1 tò mò, thích thú đọc theo, từ đó giúp các em thêm yêu sách hơn. Để thực hiện có hiệu quả mô hình, ngay từ đầu năm học, Liên đội chọn những HS lớp 5 có năng khiếu về hoạt động nhóm, hoạt động vui chơi tập thể để hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho các em lớp 1. 

“Nhờ được các anh chị phụ trách sao đọc sách cho nghe, đến cuối năm học, nhiều HS lớp 1 có thể tự đọc sách và cùng các anh chị thảo luận những nội dung trong các cuốn sách tại thư viện. Hoạt động này không chỉ tạo sân chơi an toàn, bổ ích cho HS mà còn góp phần hun đúc thói quen, tình yêu đọc sách cho các em”, cô Giang khẳng định. 

Tại Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP. Vũng Tàu), mô hình “Thư viện xanh di động” cũng được HS hào hứng đón nhận. Thư viện gồm 4 tủ sách được đặt dưới sân trường. Giờ ra chơi, nhiều HS tràn xuống sân trường chọn sách, rồi thoải mái ngồi nơi ghế đá, dưới tán cây xanh mát để đọc. Đọc xong, các em tự giác trả sách lại chỗ cũ. Cô Phạm Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Viết Xuân cho hay, nhằm khơi dậy văn hóa đọc trong trường học, gia đình HS, ngoài “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, mỗi lớp học đều có tủ sách. Nhà trường vận động mỗi cán bộ, GV, nhân viên và HS tặng thư viện ít nhất 1 cuốn sách có nội dung phù hợp với độ tuổi học trò nhằm xây dựng tủ sách trong nhà trường và bổ sung nguồn sách cho thư viện. Nhờ đó, nguồn sách của thư viện trường khá phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của thầy và trò, từ việc phục vụ học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn đến sách giải trí, giáo dục kỹ năng sống.

Theo ông Trần Minh Thế, Giám đốc Thư viện tỉnh, nhằm từng bước hình thành và xây dựng thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi HS, SV, Thư viện tỉnh đã phối hợp với ngành GD-ĐT khảo sát và định hướng xây dựng mô hình thư viện đạt chuẩn cho hệ thống thư viện trường học. Mô hình đáp ứng yêu cầu của một “thư viện xanh, thư viện thân thiện” theo các tiêu chí ngành GD-ĐT đề ra và cũng là mô hình mẫu để hệ thống thư viện trường học trong toàn tỉnh áp dụng thống nhất. Đồng thời, hệ thống thư viện trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: ngày hội đọc sách, kể chuyện sách, thuyết trình sách, viết cảm nhận về sách. “Những mô hình thư viện và các hoạt động kể trên đã góp phần thu hút HS cùng tham gia, tạo sân chơi bổ ích, qua đó phát triển văn hóa đọc trong HS”, ông Thế nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.