.
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Kỳ 2: Gặt hái nhiều giải thưởng lớn

Cập nhật: 20:06, 17/09/2020 (GMT+7)

Trong 5 năm qua, nhờ được đầu tư mạnh mẽ từ các nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa, chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Ngành GD-ĐT đã “gặt hái” nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là các giải thưởng quốc gia, quốc tế, thủ khoa các trường đại học…

Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trao phần thưởng cho hai HS đạt điểm số thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trao phần thưởng cho hai HS đạt điểm số thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

NHỮNG THÀNH QUẢ ẤN TƯỢNG

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, 5 năm qua, chất lượng GD-ĐT ở các cấp học được duy trì ổn định và ngày càng phát triển. Từ năm học 2015-2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 196 HS đạt giải kỳ thi HS giỏi các bộ môn văn hóa cấp quốc gia với 3 giải Nhất, 43 giải Nhì, 54 giải Ba và 96 giải Khuyến khích. Mốc son trong giai đoạn này là lần đầu tiên, tỉnh BR-VT có HS đoạt giải tại cuộc thi danh giá tầm cỡ quốc tế khi em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2017. Huy còn là thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới, góp phần quan trọng giúp đoàn Việt Nam giành vị trí thứ 3 với tổng số 155 điểm. Đây cũng là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán học quốc tế của Việt Nam. 

Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tỉnh BR-VT luôn xếp thứ hạng cao so với cả nước. Riêng điểm trung bình môn Toán và tiếng Anh đã có 3 năm liên tục xếp thứ 3 toàn quốc. Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học, BR-VT có 42/49 dự án tham gia đoạt giải với 7 giải Nhất, 5 giải Nhì, 16 giải Ba, 14 giải Khuyến khích (từ năm 2018 đổi thành giải Tư). Từ khi tham gia cuộc thi này đến nay, BR-VT luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có dự án đạt giải cao, xếp thứ 3 khu vực phía Nam và đứng trong tốp 20/68 đơn vị tham gia. 

“Bên cạnh đó, số cháu đi nhà trẻ, số cháu vào mẫu giáo, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT hoặc tương đương… đều đạt và vượt chỉ tiêu. Công tác phổ cập hoàn thành tốt, phổ cập giáo dục TH của 8/8 huyện, thị, thành đạt mức độ 3; phổ cập THCS 6/8 huyện, thị, thành đạt mức độ 2, 2 đơn vị đạt mức độ 3 là TP. Bà Rịa và TX. Phú Mỹ”, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm. 

Ưu tiên cho việc nâng cao GD-ĐT, các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, trên cơ sở bám sát và thực hiện các nghị quyết, ngành giáo dục thành phố tiếp tục duy trì vững chắc kết quả phổ cập MN 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH, THCS. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình TH đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 99,35%. Trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và THPT, kỳ thi HS giỏi, khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học, TP. Vũng Tàu luôn dẫn đầu toàn tỉnh. 

Tại TX. Phú Mỹ, phổ cập TH, THCS đều đạt mức độ 3, MN đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN 5 tuổi; tỷ lệ trẻ học trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 75%; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 33%, đi mẫu giáo đạt 98,5%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục MN, HS hoàn thành chương trình TH, HS tốt nghiệp THCS đều đạt 99%; đến nay, 100% trường TH trên địa bàn thị xã dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho HS lớp 3, 4, 5. 

Năm học 2019-2020, tổng số trẻ đến trường đạt tỷ lệ 33,84% (tăng 7,82% so với năm học 2015-2016); trẻ mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ 95,65% (tăng 2,44% so năm học 2015-2016). Riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,9% (tăng 0,72% so năm học 2015-2016). Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi vào năm 2013, đến năm 2019 được Bộ GD-ĐT công nhận tiếp tục duy trì, đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN sau 5 năm, với 100% huyện, thi, thành đạt chuẩn.

 

ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GD-ĐT

Có thể khẳng định, những thành quả nêu trên được “đơm hoa kết trái” từ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS toàn ngành và sự quan tâm sâu sát của cả hệ thống chính trị cho sự phát triển GD-ĐT. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ, GV, nhân viên ngành GD-ĐT TP. Vũng Tàu đã có sự chuyển biến toàn diện về nhận thức và hành động trong đổi  mới căn bản và toàn diện giáo dục. Ngành GD-ĐT thành phố đã thực hiện dạy học phân hóa phù hợp với đối tượng, giảm tải nội dung chương trình các môn học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” với “dạy nghề”. Nhà trường được giao quyền chủ động trong xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, kỹ năng sống nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học. Không chỉ vậy, các nhà trường còn tổ chức đa dạng các hình thức học tập, tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy; thực hiện có hiệu quả đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, 2021-2025”.

Ông Nguyễn Quý Phúc, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ cho biết, thành quả của ngành giáo dục thị xã được tạo nên từ sự việc chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tăng cường kỷ cương trường học; đặc biệt là công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV cả về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển mạng lưới trường ngoài công lập; chú trọng công tác quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường MN ngoài công lập, tạo điều kiện hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục trong các KCN. 

Chia sẻ bí quyết thành công trong bồi dưỡng HS giỏi, cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, nhà trường chú trọng lựa chọn HS giỏi ngay từ “đầu vào” tuyển sinh lớp 10 để tạo nguồn. Trong quá trình giảng dạy, GV cũng tích cực tìm kiếm và bồi dưỡng, giúp HS có cơ hội thể hiện mình. Để làm được điều này, bản thân mỗi thầy cô phải cố gắng hoàn thiện mỗi ngày để cùng học trò chinh phục những đỉnh cao mới trong các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên mời các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên cả nước về giảng dạy và đưa GV, HS đi giao lưu với các trường bạn để có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi.

Nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được, bà Trần Thị Ngọc Châu cho rằng, đây là kết quả của việc hoàn thiện mạng lưới trường lớp và cơ sở giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của HS các cấp, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập. Kết quả kể trên còn được kết tinh từ việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, từ đổi mới công tác quản lý, nội dung chương trình, phương pháp dạy học đến đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. 

Đặc biệt, tỉnh cũng đã xây dựng các đề án, chính sách đặc thù cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và HS; xã hội công tác giáo dục. Có thể kể đến hàng loạt chính sách như: chính sách khuyến khích tài năng cho HS Trường THPT chuyên, trường phổ thông và các trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ GV, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Nghị quyết hỗ trợ tiền ăn cho cho HS khuyết tật tại Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị và Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật; Hỗ trợ GV tham gia hội đồng bộ môn của ngành GD-ĐT trên địa bàn tỉnh; dạy tiếng Anh tăng thêm 2 tiết/tuần cho học sinh lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2019-2020... “Đây được xem là những “cú hích” cho sự phát triển GD-ĐT một cách ổn định, bền vững”, bà Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh.

KHÁNH CHI

(Còn nữa)

 
.
.
.