.

Làm "cái đuôi" bám theo "một nửa", nên chăng?

Cập nhật: 19:46, 18/09/2020 (GMT+7)

“Chị Tư đi chợ giúp bọn em nhé?”. Sau tiếng cười giòn giã, Khang bật ra câu nói ấy cứ như đang sung sướng, vui vẻ nhưng thật ra trong bụng chẳng ưng chút nào.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Dịp nghỉ lễ, do mối quan hệ làm ăn lâu nay nên Khang mời sếp vào quán lai rai để bày tỏ lòng cảm ơn. Những tưởng chỉ vài ba anh em chí cốt trong công ty, có như thế mới mở lòng tâm tình, nào ngờ sếp Tư lại dẫn theo chị Tư. Có vợ sếp ngồi chình ình ra đó, dù cảm thấy bất tiện, khó có thể bỗ bã, nói năng ồn ào nhưng chẳng ai dám hó hé.

Trong bàn chỉ có mỗi phụ nữ là vợ sếp nên chị được “ưu tiên” chọn món là lẽ tất nhiên. Dăm phút sau, phục vụ nhà hàng có mặt, tay cầm bút, cầm giấy và bắt đầu ghi theo câu nói dõng dạc, mạnh mẽ dứt khoát của chị Tư: “Món thứ nhất, vi cá mập; món thứ hai, tôm hùm càng xanh; món thứ ba, cá tiến vua; món thứ tư, cua hoàng đế”. Tay sờ vào túi tiền, hễ nghe đến từ “món” là trái tim Khang nhảy sì lô rock thình thịch, nó đập thình thịch, muốn xẩm mặt mày. Lại nghe tiếp: “Món thứ sáu, thịt bò Kobe và…”. Trời ơi, Khang thầm kêu lên: “Ăn gì mà lắm thế?”.

Trường hợp này, hoàn toàn đúng với câu “bằng mặt mà không bằng lòng”, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thiệt khổ cho cái thân.

Có biết bao cuộc mời liên hoan, tất niên, ăn nhậu lu bù có mấy ai hứng thú gì, chẳng qua vì thân thiết, vì muốn bày tỏ sự cảm ơn này nọ nên mới bày ra cuộc gặp mặt lai rai chút đỉnh, chủ yếu chuyện trò thêm hiểu lòng nhau, chứ chẳng phải vì ăn với uống. Ai cũng nghĩ thế, nhưng hỡi ôi, vợ sếp lại không nghĩ thế nên cứ tì tì gọi món là vậy.

Nhiều người đàn ông có tâm lý kỳ cục, mỗi lần được bạn bè, anh em mời ra quán thì y như rằng bao giờ cũng dẫn vợ con kè kè đi theo. Do biết vai trò của chồng nên người vợ tha hồ “đi chợ”. Về tâm lý thì đây cũng là một cách thể hiện “quyền lực”, bày tỏ sự có mặt của họ, chứ không hẳn đã thèm thuồng gì các món ấy, miễn sao nó càng đắt tiền càng tốt. Họ đơn giản nghĩ, có thế, cuộc chiêu đãi, mời mọc mới đáng “đồng tiền bát gạo”. Khổ nỗi, cuối cùng chỉ người phải thanh toán hóa đơn lắm khi méo mặt.

Trong nhóm bạn của tôi, ai cũng thích anh bạn nhạc sĩ nọ bởi lúc có chút men say, anh luôn xung phong phục vụ văn nghệ theo yêu cầu, ai thích ca khúc nào sẽ hát ngay, không nề hà. Nhờ vậy, không khí cuộc vui rôm rã hơn, sảng khoái hơn. Thế nhưng dạo gần đây, ít ai dám ngỏ lời mời anh nữa. Hỏi ra, vì mọi người quá ngán ngẫm cô vợ của anh lúc nào cũng có mặt “trên từng cây số”. Vì thế, lúc trò chuyện mọi người phải e dè hơn, ý tứ hơn, nói năng thận trọng hơn, cứ như đang ngồi họp. Còn vui gì nữa, hả trời?

Thói quen dẫn vợ đi theo nơi chốn đông đúc bạn bè, thật ra không hề “làm sang” cho người đàn ông, chỉ khiến làm “một nửa” mất giá trong mắt mọi người. Biết đâu có người độc mồm độc miệng hễ thấy A thì gặp vợ A, họ lại nhủ thầm: “Chẳng lẽ thèm ăn khát uống đến thế à?”.

Nói đi cũng phải nói lại, biết đâu A cũng muốn thong dong một mình nhưng cô vợ cứ nằng nặc đòi bám theo thì sao? Nội tình thế nào không ai rõ, nhưng ở chỗ ăn nhậu, đàn đúm của cánh đàn ông đàn ang mà “đào tơ liễu yếu” ngồi ỳ ra đó, lúc say xỉn họ phát ngôn bợm trợn, huỵch toẹt này nọ phải nghe lấy thì có là tôn trọng mình?

Khi nghe tôi nói thế, chị Xuyến cãi: “Ơ hay, liên hoan tiệc tùng cuối năm chỉ có anh em thân thiết thì ngại gì, chẳng ai nghĩ thế đâu”. Có phải chị Xuyến nói đúng? Lúc trao đổi với bạn bè, ai nấy đều cười cái rần, đơn giản chỉ vì trong danh sách mời là chỉ mời chồng chứ nào ai mời vợ đâu? Vì thế nhiều người tỏ ra khó chịu khi thấy vợ/người tình của bạn bất ngờ xuất hiện là họ khó chịu ra mặt cũng đúng thôi.

Về những trường hợp khó có thể tỏ lời cảm ơn bằng cách mời ra quán, nhiều người chọn cách mang quà đến nhà biếu. Dịp cuối năm biếu quà cho cô giáo là hợp lý quá đi chứ? Vì thế, cô em út nhà tôi dẫn theo cậu con đến thăm nhà cô vào dịp cuối năm. Cả hai kệ nệ vác theo thùng quà được chuẩn bị tươm tất, chu đáo. Nhìn thấy sự vui vẻ, hài lòng của cô giáo, cô em tôi thở phào nhẹ nhỏm.

Nào ngờ, lúc chuẩn bị xin phép ra về thì người chồng vừa đến nhà. Nấn ná thêm một chút, cô em tôi nghe lùng bùng lỗ tai vì chồng cô dạt dào những lời tâm sự như bày tỏ sự thắm thiết, thân tình. Anh ta thủ thỉ: “Nói thật, dạo này, bà xã nhà anh yếu xìu à, chỉ uống được loại sữa của hãng X mà thôi. Uống loại khác vào là có vấn đề ngay. Bác sĩ bảo rằng…”.  Câu nói lấp lửng ấy đạt hiệu quả gì? Là vài ngày sau, cô em tôi phải tìm cớ đến thăm nhà cô giáo lần nữa và không quên nói trơn như cháo chảy: “Cô à, có người vừa biếu nhà em ít sữa ngoại, loại này tốt lắm, của ít lòng nhiều, xin cô nhận giúp cho”.

Thế đấy, có những đôi uyên ương, nếu chỉ gặp mỗi họ thì tốt quá. Nhỡ gặp “một nửa” của họ thì y như rằng cảm thấy phiền toái. Mà sự phiền toái do người vợ/chồng gây ra thì “một nửa” cũng bị đánh giá chung. Chi bằng, trong cuộc sống có những trường hợp, vì mối quan hệ riêng tư của “một nửa”, mình đứng ngoài vẫn tốt hơn, cũng là một cách giữ thể diện, uy tín cho nhau.

Trở lại câu chuyện của Khang, tôi biết, sau khi bấm bụng trả một số tiền không nhỏ, nhìn thức ăn thừa mứa, hoang phí, hắn ta nhủ thầm: “Lần sau, chớ dại mời thêm lần nữa”.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.