XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG: Điều chỉnh nguyện vọng như thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển?
Dự kiến ngày 27/8, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Sau khi biết kết quả thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ. Chọn trường, chọn ngành như thế nào để tránh tình trạng “sai một li, đi một dặm”?
Thí sinh ra khỏi khu vực thi sau khi hoàn thành bài thi của ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
NHIỀU THÍ SINH DỰ KIẾN ĐIỀU CHỈNH NGUYỆN VỌNG
Trước khi dự thi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Hiếu Thuận, HS lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) đăng ký xét tuyển ĐH khối D với NV1 vào ngành Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và NV2 vào ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). “Thi xong, dù chưa biết kết quả nhưng so với đáp án mà Bộ GD-ĐT công bố, ước chừng được kết quả tổ hợp khối D đạt khoảng 22-23 điểm, không cao hơn nhiều so với điểm chuẩn năm trước của các ngành em đã chọn. Trong khi năm nay, đề khá dễ nên điểm chuẩn có thể cao hơn. Vì vậy, em đã tính phương án thay đổi NV để có thể đậu ĐH”, Thuận cho hay. Làm bài môn Toán và GDCD khá tốt nên Hiếu Thuận dự kiến xét tuyển thêm tổ hợp C14 (Toán, Ngữ văn, GDCD) và chọn ngành Quản lý Nhà nước của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh là NV1. Bên cạnh đó, em đang tìm hiểu thêm một số trường có chương trình học bổng hấp dẫn như ĐH Quốc tế Sài gòn, ĐH Kinh tế Tài chính…
Tương tự như Hiếu Thuận, em Trần Mỹ Hạnh, HS lớp 12D4, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu) cũng dự định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Trước đó, Mỹ Hạnh đã đăng ký xét tuyển ngành Tâm lý của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sài Gòn, ngành Du lịch và ngành Công tác xã hội đều thuộc ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh. Các ngành này có điểm chuẩn khối D từ 18-20 điểm. Tuy nhiên, sau khi thi xong, Mỹ Hạnh nhận thấy kết quả làm bài không được như ý muốn, chỉ đạt gần 18 điểm nên em đã tính đến phương án điều chỉnh NV4 sang ngành Du lịch của Trường ĐH Hoa Sen. “Năm trước, điểm chuẩn của ngành này chỉ khoảng 15 điểm nên em nghĩ rằng cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn”, Mỹ Hạnh chia sẻ.
ThS. Nguyễn Thái Châu, đại diện Trường ĐH Tài chính-Marketing tư vấn cho HS. |
CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG TRƯỚC KHI ĐIỀU CHỈNH NGUYỆN VỌNG
Để giúp thí sinh đưa ra quyết định cuối cùng trong việc điều chỉnh nguyện vọng theo đúng quy chế, tìm được cơ hội và có lựa chọn đúng đắn, phù hợp trúng tuyển đại học, cao đẳng ngay nguyện vọng 1, Thạc sĩ Hoàng Thuý Nga, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh còn 1 cơ hội duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định bằng 1 trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến kéo dài từ ngày 9/9 đến 16/9. Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng với số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Trong khi đó, điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển kéo dài từ ngày 9/9 đến ngày 18/9, kép dài thêm 2 ngày so với hình thức trực tuyến. Ở hình thức này, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm. Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Nếu trúng tuyển, thí sinh phải nộp hồ sơ xác nhận nhập học là giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc (mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy duy nhất). “Năm nay, nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức xét tuyển nào, sau khi xác nhận nhập học thì tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống đều bị khóa lại và không được đăng ký xét tuyển nữa. Riêng thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo”, bà Nga lưu ý.
Còn TS. Phan Thế Hải, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm BR-VT thì nhận định, so với các đề thi THPT Quốc gia trước đây, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đánh giá là dễ hơn, do đó phổ điểm các môn có thể tăng. Theo dự báo, điểm chuẩn Đại học và điểm sàn CĐ sư phạm năm nay sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm so với năm 2019.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ khi biết điểm đến thời điểm bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng, các em có hơn 10 ngày để cân nhắc việc điều chỉnh nguyện vọng của mình. “Trước khi điều chỉnh nguyện vọng, các em cần quan tâm đến các thông tin như: mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường ĐH và CĐ; điểm chuẩn vào các trường ĐH và CĐ của các năm trước; ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe năm 2020; điều kiện của gia đình; sở thích và năng lực của bản thân… để lựa chọn ngành nghề phù hợp”, thầy Phan Thế Hải lưu ý.
Theo TS. Phan Thế Hải, thí sinh muốn thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng để vào Trường CĐ Sư phạm BR-VT thì các em cần lưu ý, đối với ngành Giáo dục Mầm non, các em cần quan tâm đến ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo GV của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp các em đã đăng kí xét tuyển theo các tổ hợp C14, C20 và D01 mà có điểm chưa đạt ngưỡng theo quy định thì các em có thể chuyển nguyện vọng sang tổ hợp M00 để dự thi Môn năng khiếu vào đợt 2 (ngày 19/9/2020). Đối với các em đã đăng kí xét tuyển theo tổ hợp M00 nhưng chưa đạt ngưỡng theo quy định thì các em có thể chuyển nguyện vọng sang xét tuyển theo các tổ hợp C14, C20 và D01. Đối với các ngành CĐ khác, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp tại trường. |
Còn TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác SV, Trường ĐH Quốc gia TP.HCM thì cho rằng: “Khi có kết quả thi, thí sinh hãy nhìn mặt bằng điểm chung năm nay và có sự so sánh với năm trước đó. Nếu mặt bằng điểm cao hơn, các em cần cân nhắc thật kỹ để tính đến phương án điều chỉnh nguyện vọng”. Bà Mai phân tích thêm, những nguyện vọng yêu thích nhất, các em nên đưa lên đầu, dù có thể kết quả thi thấp hơn 1 chút so với các nguyện vọng khác. “Đã có những em đưa nguyện vọng điểm cao nhưng không thích bằng lên trên, cuối cùng không thể vào ngành mình thích, ngành trúng tuyển thì lại không có hứng thú”, TS Mai nói.
KHÁNH CHI