Sau vụ việc một nữ sinh Trường THCS Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bị bạn đánh hội đồng, nhiều giáo viên và các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc xử lý kỷ luật nghiêm các học sinh đánh bạn là cần thiết, nhưng đó chưa phải là tất cả để ngăn chặn bạo lực học đường. Xét trên tâm sinh lý lứa tuổi, có ý kiến thông cảm cho sự nông nổi, bồng bột của các em, đồng thời kêu gọi sự chung tay của gia đình, nhà trường trong giáo dục nhân cách học sinh.
ÔNG BÙI TIẾN HƯNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THIÊN NIÊN KỶ (TP.HỒ CHÍ MINH)
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THIÊN NIÊN KỶ (TP.HỒ CHÍ MINH)
Gia đình phải là chỗ dựa thực sự cho các em
Học sinh THCS trở lên đang trong giai đoạn có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Các em rất nhạy cảm và cũng nông nổi. Đây là giai đoạn, sự gần gũi của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình nhân cách trẻ. Sự quan tâm và chia sẻ một cách bình đẳng sẽ giúp trẻ trải lòng với cha mẹ, để cha mẹ biết con đang nghĩ gì, cần gì.
Với vụ việc cụ thể nói trên, cha mẹ tuyệt đối không mắng nhiếc, đổ lỗi cho con. Nên giúp trẻ lấy lại cân bằng từ sự động viên, an ủi. Với các trẻ có hành vi không tốt, cần nghiêm khắc giáo dục, nhưng cũng không để các em rơi vào tình trạng mặc cảm. Không để các em trở thành “nạn nhân” của sự xa lánh, kỳ thị.
Sau sự việc, nếu trẻ có những vấn đề nặng hơn về tâm lý, cha mẹ cần tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, giáo dục.
ÔNG LÊ VĂN MINH, BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN
Bảo vệ và giúp các em ổn định tâm lý
Tổ chức Đoàn, Đội có trách nhiệm nghiên cứu các mô hình phù hợp để giáo dục học sinh phát triển toàn diện hơn về nhân cách. Thông qua các phong trào, mô hình sẽ giúp cho học sinh hiểu và tránh bạo lực học đường. Đó cũng là môi trường để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường tinh thần đoàn kết, thương yêu bạn bè. Ngoài ra, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng cần là điểm đến tin cậy để những nạn nhân của nạn bạo lực học đường tìm đến chia sẻ, để các em được bảo vệ, trước khi xảy ra các hành vi đáng tiếc và nghiêm trọng.
BÀ NGUYỄN THỊ HOA (HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VŨNG TÀU)
Giải tỏa mâu thuẫn từ gốc để giúp các em phát triển lành mạnh
Trẻ vị thành niên là lúc tách dần tuổi ấu thơ chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn là tuổi trưởng thành, tạo nên sự phát triển về mọi mặt như: thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn phát triển phức tạp về tâm lý của lứa tuổi học sinh, vì ở các em tồn tại song song 2 tính cách, vừa trẻ con vừa người lớn. Các em dễ kích động, dễ bực tức, dễ cáu gắt, mất bình tĩnh và hay làm theo đám đông. Trong cuộc sống và học tập, các em thường gặp phải những vấn đề mà bản thân không thể giải quyết được như: học tập, giao tiếp, quan hệ với gia đình, bạn bè, lựa chọn nghề nghiệp. Do vậy, để giúp các em phát triển tâm lý lành mạnh, giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô giáo cần quan tâm, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của học sinh, phối hợp với cha mẹ học sinh, tham vấn những vấn đề tâm lý của học sinh ngay từ khi mới phát sinh mâu thuẫn, để giúp các em có cách hành xử phù hợp; giúp các em tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết mối quan hệ xã hội và vấn đề của bản thân theo hướng tích cực.
ÔNG PHẠM ĐỨC KHƯƠNG (GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS HÒA HIỆP, HUYỆN XUYÊN MỘC)
Lắng nghe trẻ em nhiều hơn
Đặc điểm tâm sinh lý các em ở tuổi vị thành niên có nhiều điều phức tạp, khó hiểu. Gần gũi, quan tâm, chia sẻ... là những điều mà thầy cô, cha mẹ cần làm để thấu hiểu trẻ, giúp trẻ phát triển tâm lý lành mạnh, tránh được những hành vi thiếu suy nghĩ.
Trong thực tế, vẫn còn nhiều bậc cha mẹ, thầy cô giáo chỉ nghĩ rằng mình đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ là đủ mà thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ. Trong trường, trong lớp, thầy cô phải là trung tâm để tạo sự gắn kết, đoàn kết, cũng là người hòa giải để xóa nhòa các mâu thuẫn giữa học sinh. Các lớp học cũng nên có diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, giúp phụ huynh và học sinh có cơ hội ngồi lại để lắng nghe và thấu hiểu. Về đơn vị quản lý giáo dục, tôi cho rằng nên tổ chức những buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm tư vấn tâm lý học đường giữa các trường.
NGUYỄN THỊ THANH TÚ (LỚP 7/4, TRƯỜNG THCS CHÂU VĂN BIẾC, HUYỆN ĐẤT ĐỎ)
Tạo nhiều sân chơi bổ ích, đoàn kết
Theo em, ở lứa tuổi học trò nên chăm chỉ học hành, sống hòa đồng với bạn cùng lớp, cùng trường. Với các bạn là lớp trưởng, là Liên đội trưởng thì cố gắng tổ chức tạo sân chơi thu hút bạn cùng trang lứa, từ đó tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp, trong trường. Đối với những HS có xu hướng thích sử dụng hành vi bạo lực giải quyết mâu thuẫn bè thì cần được tư vấn, can thiệp sớm từ các thầy, cô trong trường.
Nhóm PV THỜI SỰ
;