Cua mặt trăng là hải sản độc đáo quý hiếm ở Côn Đảo. Loài hải sản này không chỉ để chế biến thành những món ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng, mà vỏ cua còn có thể chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ tuyệt đẹp.
Cua mặt trăng, tên khoa học carpilius maculatus, là một loài cua trong họ carpiliidae. Loài cua này phân bố ở Ấn Độ Dương và bờ biển phía tây Thái Bình Dương. Chúng thường sống ở độ sâu 10m tại các rạn san hô ven biển. Ở Việt Nam, cua mặt trăng thường xuất hiện theo mùa gió nam tại vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) và vùng biển Côn Đảo (tỉnh BR-VT).
Khi trưởng thành, cua mặt trăng có kích thước khoảng 18cm, phần mai dày, có những đốm hình tròn màu đỏ đậm nổi bật trên nền vỏ màu hồng tươi như hình mặt trăng. Do vỏ ngoài màu sắc độc đáo nên người ta thường phơi khô để làm thành sản phẩm mỹ nghệ bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm.
Theo kinh nghiệm của ngư dân Côn Đảo, thịt cua mặt trăng ngon nhất vào tuần trăng mọc, trong khi những loài cua khác cứ đến tuần trăng thì thịt xốp và nhạt, nhiều nước, kém chất lượng. Cua mặt trăng quen sống ở các khe đá, trong các rạn san hô xung quanh những hòn đảo nhỏ. Để săn bắt cua mặt trăng, ngư dân phải lặn xuống biển vào ban đêm, trườn theo những rạn san hô. Cua mặt trăng di chuyển chậm, lại có những đốm tròn trên lưng giống như mặt trăng nên rất dễ bị phát hiện.
Thịt cua mặt trăng thơm, ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng, chứa lượng lớn khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, kali, sắt. Ngoài ra, thịt cua mặt trăng còn chứa chất béo, omega 3, canxi, là những dưỡng chất rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, lượng đạm trong thịt cua mặt trăng ở Côn Đảo vô cùng lớn, cao hơn hẳn các loại cua thông thường, có thể sánh ngang với cua huỳnh đế.
Cua mặt trăng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, hấp, nướng, xào me, xào chua ngọt… Nhưng cách chế biến truyền thống mà ngư dân vùng biển Côn Đảo thường làm là hấp hoặc nướng với gia vị chấm là muối tiêu, chanh, ớt. Cách chế biến này đơn giản và dân dã, nhưng ai đã thưởng thức món ăn này một lần thì nhớ mãi không quên.
Ngoài việc chế biến thành các món ăn phục vụ thực khách ở các nhà hàng cao cấp, cua mặt trăng còn được ngư dân Côn Đảo dùng làm món thờ cúng tổ tiên trong những dịp lễ Tết thiêng liêng, bởi sự sang trọng thanh cao mà không loài hải sản nào có thể so sánh.
Hiện nay thị trường cua mặt trăng ở Côn Đảo khá sôi động. Nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai cùng một số tỉnh ở đất liền đến Côn Đảo săn tìm loài hải sản độc đáo và nổi tiếng này để bán cho các khách sạn 5 sao và nhà hàng sang trọng. Bởi vậy, khách du lịch đến Côn Đảo muốn thưởng thức hoặc tìm mua cua mặt trăng đem về làm quà sẽ khó hơn.
Để có cua mặt trăng tươi ngon, chất lượng, giá rẻ, du khách nên tìm đến những địa chỉ tin cậy như các làng chài, những vựa hải sản và chợ hải sản cùng một số khách sạn, nhà hàng uy tín. Tùy theo chất lượng cua mặt trăng và thời điểm mua hàng, giá cua có thể khác nhau, nhưng du khách nên tham khảo giá bán qua ngư dân bản địa. Thông thường, giá cua mặt trăng loại nhỏ dưới 300gr/con dao động khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/kg, loại lớn giá trên 400 ngàn đồng/kg. Mỗi địa chỉ cung cấp cua mặt trăng có thể chất lượng và giá cả khác nhau, nhưng để bảo đảm chất lượng cua tốt nhất du khách nên mua hoặc thưởng thức món cua mặt trăng ở thời điểm trăng tròn, bởi lúc đó thịt cua sẽ ngon và săn chắc nhất.
Côn Đảo có thể coi là kho báu mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam. Nơi đây có nhiều đặc sản và hải sản quý hiếm như tôm hùm đỏ, ốc vú nàng, cua mặt trăng. Hiện nay, những đặc sản này đang là mục tiêu săn bắt của nhiều người nên nguy cơ dẫn đến cạn kiệt, đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân Côn Đảo cần nêu cao ý thức, quản lý bảo tồn và phát triển những loài đặc sản này.
TRẦN BÌNH