.

Để trẻ có kỳ nghỉ hè bổ ích

Cập nhật: 07:34, 25/07/2020 (GMT+7)

Là giáo viên, tôi thường nghe rất nhiều phụ huynh than thở rằng con mình nghiện công nghệ khi không đến lớp, nhất là dịp nghỉ hè. Do thời gian nghỉ dài, trẻ ở nhà suốt ngày nên cứ dán mắt vào màn hình tivi. Nhiều trẻ trong khu phố túm tụm chơi đùa, ba mẹ sợ sinh chuyện không hay, nên buộc lòng phải đưa điện thoại của mình để con lên mạng xem phim, nghe nhạc, chơi game trong nhà. Thậm chí những gia đình khá giả sẵn sàng mua điện thoại thông minh cho con chơi game online.

Như thế thật không nên tí nào!

Đây là khoảng thời gian khó khăn của phụ huynh và thử thách của học sinh ở thị thành. Do phải đi làm suốt ngày, không ai trông chừng, giám sát con nên nỗi khổ chất chồng. Nhiều phụ huynh nghĩ ra giải pháp cho con thoải mái chăm chăm vào màn hình tivi, điện thoại, máy vi tính,... để khỏi ra khỏi nhà. Thậm chí, có những phụ huynh còn “gửi” con trong quán Net để rảnh tay đi làm, trưa ra ca tranh thủ về rước. Từ đó phát sinh nhiều việc không hay. Trẻ sinh nghiện game, ảnh hưởng đến sức khỏe, sâu xa hơn có thể bỏ bê việc học, thay đổi phong cách sống. Bởi trong quán Net, giới trẻ hay thể hiện cái tôi, ăn nói bổ bã, cáu gắt, chửi thề...

Khoảng 10 năm gần đây, các khóa trải nghiệm hè như Học kỳ quân đội vô cùng thiết thực, giúp ích cho trẻ rất nhiều ở hiện tại cũng như giữ nếp quen tốt đến khi trưởng thành. Hiện nay, ở vài địa phương còn có khai giảng khóa Học kỳ làm chiến sĩ công an được nhiều phụ huynh hưởng ứng đăng ký cho con tham gia. Tại khóa học này, bên cạnh học điều lệnh đội ngũ CAND, các em nhỏ còn được học bơi, kỹ năng phòng vệ, xử lý tình huống bị bắt cóc, xâm hại. Đây là những khóa học bổ ích, cần được nhân rộng trong cả nước.

Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để dạy con các kỹ năng sống, kiến thức xã hội, trải nghiệm thực tế. Những phụ huynh ở thành thị nên cùng con làm bánh mứt, lau dọn nhà cửa, trồng và tưới cây, sửa chữa đồ đạc trong nhà, nấu ăn, sum họp trong các bữa ăn gia đình... Cuối tuần rảnh rỗi đưa con đi thăm các mái ấm tình thương, làng trẻ em SOS, giúp người khuyết tật, từ thiện, bơi lội, dạo công viên, chơi thể thao... Tùy vào thời gian mà phụ huynh có những kế hoạch nhỏ vui vẻ cùng con mình. Tất nhiên không thể lơ là việc học, nhưng cũng không ép con, vì đây là khoảng thời gian nghỉ hè. Nên mua những quyển sách thiên về văn học có tranh, cùng con đọc và suy ngẫm: vừa giải trí vừa mang lại những bài học bổ ích.

Riêng những phụ huynh đưa con về quê chơi thì có vô vàn kỹ năng sống đang chờ trẻ thử sức. Nào là tắm sông, bắt cá, hái rau, hái cây ăn quả, chăn nuôi, thăm thú họ hàng… Những hình ảnh thực tế này vừa giúp con có thêm những kinh nghiệm sống quý báu, vừa hiểu biết về sự lao động khó nhọc của bà con nông thôn là như thế nào. Từ đó trẻ mới biết trân quý cuộc sống, kính trọng nhà nông, nhờ họ nên mọi gia đình mới có bữa ăn ngon miệng. Tất nhiên trong quá trình rèn luyện, uốn nắn gặp không ít trở ngại, nhưng nếu kiên trì thì mọi chuyện sẽ đi vào khuôn khổ. Thậm chí hiện nay, trẻ con thành thị đang có xu hướng thích trải nghiệm làm nông nên việc này khá là dễ dàng. Đừng nên sợ con lấm lem bùn đất hay nặng nhọc, vì đây cũng là cách giúp con rèn luyện sức khỏe dẻo dai.

Một khi những kế hoạch nêu trên hiệu quả, trẻ sẽ tự khắc hạn chế sử dụng điện thoại thông minh mà rẽ sang xu hướng đời thực tích cực trong kỳ nghỉ hè.

HOÀNG DUY

 
.
.
.