Nghĩa trang Hàng Dương - di tích lịch sử đặc biệt
Nghĩa trang Hàng Dương là một phần quan trọng không thể tách rời trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Du khách viếng mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Theo giới thiệu của thuyết minh viên, có khoảng 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Nghĩa địa tù đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò, còn gọi là di tích Bãi Sọ người, sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn năm 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có hàng ngàn tù nhân ở hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giết hại. Nghĩa địa Hàng Keo hết chỗ, thực dân Pháp phải mở thêm nghĩa địa để chôn tù. Đó chính là Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay. Tính đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1975), ước tính có khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại an nghỉ tại đây.
Từ năm 1992, nghĩa trang được quy hoạch trên diện tích khoảng 20ha, khởi công xây dựng và tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các phần mộ trước đó, chia thành 4 khu A, B, C, D (riêng khu B được chia ra làm hai phần B1 và B2) theo thời kỳ với 1.922 phần mộ trong đó 714 phần mộ có tên.
Khu A chủ yếu là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1945 trở về trước. Tiêu biểu có phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Khu B chôn hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ. Tại đây có phần mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Khu C đa số là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1960 đến năm 1975. Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Hàng Cau, Nghĩa trang Hàng Keo và từ nơi khác trên Côn Đảo về.
Hiện nay Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo khang trang với sân hành lễ rộng, tượng đài chính giữa uy nghi cao 21,6m được thiết kế cách điệu từ hình dáng của các nấm mồ và bia mộ, ghép từ tổ hợp 144 phiến đá khối, chạm khắc những hình tượng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Bên dưới là bức phù điêu cao 2m, dài 30m khắc họa hình ảnh khắc nghiệt từng diễn ra tại nhà tù Côn Đảo trong 113 năm (1862-1975).
Từ cổng đi vào, khu vườn đá được xây dựng trên ý tưởng sự sụp đổ của mảng tường nhà tù. Trong khu vườn đá có tượng “Thủy chung” (trước đây gọi là tượng “Trao áo”) cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng của đồng chí, đồng đội và những chiến sĩ yêu nước, chết còn cởi áo trao nhau. Bên cạnh đó còn có tượng “Hy vọng” cao 4,5m mô phỏng sự lạc quan, tin vào thắng lợi, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trung tâm vườn đá là phù điêu “Bất khuất” cao 3,5m, dài 12,5m, một bên khắc họa hình ảnh về cuộc sống tù nhân Côn Đảo nhằm tố cáo chế độ nhà tù của thế lực thực dân xâm lược và một bên thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản yêu nước từng bị giam cầm và đày đọa tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”.
Hòa vào dòng người viếng Nghĩa trang Hàng Dương những ngày tháng 7, chúng tôi không kìm nén được xúc động. Mỗi mộ phần ở đây không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Sau khi nghe thuyết minh về Nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi bắt đầu thực hiện nghi thức dâng hương ở lễ đài chính và thắp hương cho các mộ phần trong nghĩa trang. Có dịp trò chuyện với những đoàn khách song hành, chúng tôi được biết, trong tâm thức của nhiều người, Nghĩa trang Hàng Dương là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Nhiều người chia sẻ, việc dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương như một cách thể hiện tấm lòng tri ân các chiến sĩ cộng sản trung kiên đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc hôm nay.
Bài, ảnh: ĐAN CHÂU