Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và bền bỉ
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của TP.Vũng Tàu thời gian qua có chuyển biến tích cực. Một số điểm đen về ô nhiễm môi trường đã được khắc phục; không còn tình trạng rác tồn đọng trong khu dân cư; nước thải được thu gom…
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu (thứ 3 từ trái qua) tặng thùng rác và tuyên truyền BVMT cho ngư dân sống trên kênh Bến Đình. |
NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Kênh Bến Đình dài khoảng 2,6km, đi qua địa bàn các phường 5, 9 và Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu). Nhiều năm qua, kênh Bến Đình luôn là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt của người dân xả thẳng xuống kênh. Trước thực trạng đó, tháng 5/2018, UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2298/QĐ-UBND về kế hoạch tổng thể cải thiện môi trường.
Theo ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT, qua 2 năm triển khai Kế hoạch, hiện trạng khu vực kênh đã có nhiều chuyển biến tích cực, lượng rác trôi nổi trên kênh giảm đáng kể. Hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn các phường Thắng Nhì, phường 5 đã chuyển giao rác thải phát sinh hàng ngày cho đơn vị thu gom rác; ý thức BVMT của người dân sống trong khu vực kênh được nâng cao; một số cơ sở sản xuất hoạt động trong khu vực đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải…
Đây chỉ là một trong những chuyển biến tích cực mà TP. Vũng Tàu đã làm được trong thời gian qua nhằm nỗ lực xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Theo báo cáo của Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2019, có đến 98% các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đã thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn. Toàn bộ lượng rác, nước rỉ rác từ các trạm trung chuyển được Công ty CP dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu vận chuyển về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) để xử lý; 100% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; 100% rác thải y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý tại lò đốt Bệnh viện Lê Lợi, Bệnh viện Bà Rịa, Trung tâm y tế Vietsovpetro; 90% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Ông Phạm Quốc Huy cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải trong khu dân cư, thời gian qua thành phố cũng rất quan tâm đến việc thu gom nước thải của thành phố, BVMT trong KCN, quản lý các DN có lưu lượng xả thải lớn… Với các cơ sở du lịch, nước thải được thu gom, xử lý, một số cơ sở dùng để tưới cây, một số cơ sở đấu nối với hệ thống thoát nước thải đô thị của thành phố...
Các bạn trẻ tham gia đạp xe tuyên truyền bảo vệ môi trường trên đường Thùy Vân (TP. Vũng Tàu). |
NÂNG CAO Ý THỨC BVMT TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, để có những kết quả tích cực như trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhất trí đồng lòng cao của người dân để xây dựng Vũng Tàu ngày càng xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, công tác BVMT không phải là “ngày một ngày hai” là xong, nhiệm vụ này phải được duy trì thường xuyên, lâu dài và bền bỉ. Hàng năm, UBND TP. Vũng Tàu đều ban hành và thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo, ngày Đại dương thế giới... Đồng thời thành phố cũng chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức ra quân, dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại các nơi công cộng, trên các tuyến đường, khu phố và phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng khu dân cư về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, năm 2020 TP.Vũng Tàu đã xây dựng và đưa vào thực hiện dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm BVMT của cộng đồng dân cư địa phương” để toàn dân thấy được tầm quan trọng của việc BVMT từ đó đoàn kết chung tay xây dựng Vũng Tàu là thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp; giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”... “Thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục BVMT, chính quyền TP. Vũng Tàu kêu gọi cộng đồng dân cư địa phương nâng cao ý thức, trách nhiệm trong BVMT, xây dựng nếp sống văn minh và thân thiện. Từ đó, làm thay đổi nhận thức, hành vi để giảm thiểu các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời nâng cao sự phối hợp và tham gia tích cực hơn nữa của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; quản lý, bảo vệ môi trường sống, môi trường xã hội; bảo vệ biển, đất, nước, không khí…”, ông Vũ Hồng Thuấn nói.
Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm BVMT của cộng đồng dân cư địa phương” tập trung vào 5 nhóm đối tượng: Người dân TP.Vũng Tàu nói chung; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan và tổ chức nhà nước; chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Vũng Tàu; sinh viên, học sinh học tập tại các trường trên địa bàn TP. Vũng Tàu và du khách đến TP.Vũng Tàu. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có những nội dung, phương pháp truyền thông riêng để bảo đảm tiếp cận được thông điệp, yêu cầu của địa phương và ứng xử phù hợp với vai trò, trách nhiệm BVMT thông qua các hình thức: Truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội…); truyền thông trực quan (màn hình led, pano, áp phích, tờ rơi…); truyền thông giáo dục (tập huấn kỹ năng, thành lập và vận hành CLB tình nguyện viên BVMT…) và truyền thông sự kiện (phát động phong trào, hưởng ứng chiến dịch, đồng hành các chương trình BVMT).
|
Bài, ảnh: SONG THƯ