Xét tuyển bằng học bạ và kết quả điểm thi THPT
•Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả có thể dùng cho tuyển sinh CĐ, ĐH?
- Ông Hồ Cảnh Hạnh: Từ mấy năm nay, Bộ GD-ĐT đã khẳng định mục đích chính của kỳ thi THPT Quốc gia là xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi này được hầu hết các trường ĐH, CĐ sử dụng cho việc xét tuyển đầu vào, nhất là các trường tốp trên (có điểm chuẩn cao). Vì lý do này, nên đối với thí sinh, mục đích chính của kỳ thi (để xét tốt nghiệp) trở thành mục đích phụ, trong khi mục đích phụ của kỳ thi (để xét tuyển ĐH, CĐ) lại trở thành mục đích chính.
Năm nay, việc thi THPT do các địa phương tổ chức để xét tốt nghiệp là giải pháp tình thế, phù hợp với hoàn cảnh HS nghỉ dài ngày để phòng chống dịch COVID-19. Do các em phải tự học hoặc học trực tuyến nên kiến thức không liên tục và không sâu như các năm trước. Ngoài ra, với phương án này, hàng ngàn giảng viên ở các trường CĐ, ĐH không phải di chuyển về các tỉnh để làm công tác coi thi. Điều này phù hợp với các giải pháp phòng chống dịch mà chúng ta đang thực hiện.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học của các trường phổ thông. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi các em đã học theo định hướng để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trong nhiều năm chứ không riêng năm học lớp 12. Với phương án nêu trên, muốn xét tuyển ĐH, CĐ, các em có thể phải trải qua một kỳ thi hoặc cách thức xét tuyển khác trong khi thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Bên cạnh đó, công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
•Cụ thể, chủ trương trên ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thưa ông?
- Nếu không phải là kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn nhiều trường ĐH, nhất là các trường tốp trên sẽ hạn chế việc sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Có khả năng, nhiều trường sẽ tổ chức các kỳ thi riêng, kết hợp với xét tuyển học bạ THPT.
Việc các trường thi riêng như trước đây ngoài mặt tích cực cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực cho xã hội như chúng ta đã chứng kiến. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như 5 năm vừa qua là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm bớt các khuyết điểm, hạn chế này. Vì vậy, theo tôi, năm nay, bên cạnh việc tổ chức thi để hướng tới mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng HS phổ thông cả nước thì kỳ thi cũng vẫn cần bảo đảm sự phân hóa HS, làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng cho việc xét tuyển theo quyền tự chủ tuyển sinh quy định tại Luật Giáo dục ĐH.
SV lớp Trung cấp MN, Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong học phần "Múa và hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc" năm học 2018-2019. |
•Riêng Trường CĐ Sư phạm BR-VT, công tác tuyển sinh của trường năm học này sẽ tiến hành ra sao, thưa ông?
- Năm 2020, nhà trường xây dựng đề án tuyển sinh cơ bản giữ nguyên như đề án tuyển sinh năm 2019 với 10 ngành đào tạo trình độ CĐ và 2 ngành đào tạo trình độ trung cấp. Hình thức xét tuyển kết hợp điểm học bạ THPT vừa theo điểm thi THPT. Các ngành Sư phạm bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT; ngành Giáo dục mầm non còn có thêm phần thi Năng khiếu.
•Xin cảm ơn ông!
HOÀNG DƯƠNG (Thực hiện)