Phương thức giãn cách tích cực
Thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người đã tranh thủ quãng thời gian ở nhà để chăm sóc, làm mới mảnh vườn nhỏ nơi góc sân, vừa tạo mảng xanh cho không gian gia đình, vừa có rau sạch cho cả nhà.
Bà Dương Thị Oanh thu hoạch rau. |
CHĂM CHÚT MỖI NGÀY
Bà Nguyễn Thị Thu Thúy là chủ khách sạn Nam Phương (94, Trần Phú, TP.Vũng Tàu). Từ ngày 1/4, khách sạn tạm đóng cửa không nhận khách và thực hiện giãn cách xã hội. Vậy là bà có nhiều thời gian rảnh để chăm sóc cho mảnh vườn trong khách sạn, cũng là nơi gia đình đang ở. Không gian như xanh, đẹp hơn bởi những luống rau xanh mướt trong những bồn cây chạy quanh tường khách sạn. Ông Nguyễn Thanh Dung, chồng bà tranh thủ xây thêm 1 bồn trồng rau chừng 2m2 cho vợ trồng rau thơm. Giữa sân, bà Thúy phơi 2 mẹt cải bẹ, chuẩn bị làm dưa muối. Bà khoe lứa cải vừa rồi tốt, sẽ muối được hũ dưa lớn. Đất bà vừa xới lại, gieo hạt cải xanh, xà lách và chăm mấy luống diếp cá.
Ông Dung làm việc tại khách sạn Đoàn 28, cũng được nghỉ trong thời gian này. Từ 2 năm nay, ngoài mấy luống rau ở khách sạn của nhà, ông bà còn mượn người quen 2.000m2 đất cách nhà chừng 50m, trồng đủ loại rau: muống, dền, cải, ngót, bầu, bí và có sẵn mấy gốc xoài, đu đủ… Vườn rau không chỉ cung cấp cho gia đình mà ông bà còn biếu cho người thân, đồng nghiệp và bán để phụ tiền phân bón. Ngoài ra, ông bà còn nuôi 30 con gà lấy trứng. Nhờ đó, chi phí mua thực phẩm của gia đình giảm đáng kể và đặc biệt là bảo đảm an toàn.
Hơn một năm qua, bà Dương Thị Oanh (95/7/31D, Lưu Chí Hiếu) mượn được miếng đất trống của người quen để trồng rau sạch. Trên diện tích 600m2, bà chia thành từng ô cho mỗi loại: Rau muống, rau cải xanh, cải ngọt, tần ô, mùng tơi… Chồng bà làm bảo vệ ở một DN trong KCN Đông Xuyên. Thời gian này đang nghỉ để phòng chống dịch nên ông tranh thủ phụ vợ sửa sang lại vòi tưới nước và chăm sóc rau. Các con đều đã lập gia đình, ở riêng nên với bà, chăm sóc vườn rau này chính là niềm vui mỗi ngày. Ngoài dùng cho gia đình, bà còn bán bớt cho hàng xóm. “Ban đầu, tôi chỉ tính trồng rau cho đỡ buồn chân buồn tay trong lúc nhàn rỗi. Vậy nhưng mỗi tháng tôi cũng thu được khoảng 2 triệu đồng từ bán rau, đủ tiền chợ cho hai vợ chồng già”, bà Oanh cho hay.
DẠY CON NHỮNG BÀI HỌC HAY
Thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường. Đây chính là thời gian lý tưởng để nhiều người thực hiện những dự định, ý tưởng còn ấp ủ.
Ông Nguyễn Trung Minh (ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho biết, từ giữa tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát, ông đã bắt tay làm vườn rau cho gia đình. Do phải hạn chế tập trung đông người nên thay vì cùng bạn bè chơi thể thao sau giờ làm việc, ông về nhà chăm sóc mảnh vườn 20m2 của gia đình. Cậu con trai 6 tuổi Nguyễn Trung Nguyễn được ba hướng dẫn xếp gạch trên lối đi, phụ ba gieo hạt giống, cùng ba tưới nước và háo hức chờ hạt nảy mầm, rồi vươn mình xanh tốt. “Sau khoảng 3 tuần, rau phát triển tốt, ba con cùng thu hoạch rau cho mẹ nấu ăn. Cậu nhóc lớp 1 giờ đã phân biệt được đâu là rau mùng tơi, đâu là rau đay, rau muống, rau cải… Cháu cũng thích ăn rau xanh hơn vì đó là một phần thành quả từ sức lao động của mình”, ông Minh hào hứng nói.
Tương tự, cô Lê Thị Phi Oanh, GV Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) cũng dành thời gian cùng con gái chăm sóc vườn rau của bà ngoại. Là GV môn Sinh học, cô Oanh hướng dẫn con gái Phương Anh (HS lớp 6, Trường THCS Nguyễn An Ninh) cách áp dụng những kiến thức vào bài học thực tế. Không chỉ nắm rõ rau gì thuộc loại cây gì, họ gì, Phương Anh còn biết dùng vôi bột rải vào đất hoặc phải phơi đất để diệt sâu bọ hại cây. Em cũng phụ bà và mẹ tưới rau, ủ phân từ rác hữu cơ là gốc, rau củ bỏ đi, trộn thêm men vi sinh làm phân… Nhờ vậy, rau có vị đậm đà, ngon ngọt, an toàn. Vườn rau và hình ảnh người bà, người mẹ cũng nhiều lần xuất hiện trong những bức vẽ hoặc bài làm văn của Phương Anh.
Hạn chế ra đường, giãn cách xã hội nhưng mỗi người sẽ bớt buồn chán khi tìm được niềm vui trong lao động, sản xuất và thực hiện những ý tưởng của mình. Trồng rau, trồng hoa là một trong những niềm vui đó. Nó không chỉ giúp vận động chân tay, có nguồn rau xanh cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng mà nhiều người còn có dịp dạy cho con những bài học thực tế từ thiên nhiên, cây cỏ.
Vậy đó, giãn cách xã hội đâu phải là khoảng thời gian vô ích.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH