.

Khổ vì... nuốt nhầm dị vật

Cập nhật: 07:41, 11/04/2020 (GMT+7)

Nuốt phải dị vật là nguyên nhân của nhiều trường hợp thủng thực quản, dạ dày, thủng ruột, thậm chí xuyên cả vào lá lách, đe dọa tính mạng. Không hiếm nạn nhân không biết mình đã nuốt dị vật vào lúc nào, cho đến khi những biến chứng xuất hiện.

Một ca phẫu thuật nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa tại Bệnh viện Bình Dân.
Một ca phẫu thuật nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa tại Bệnh viện Bình Dân.

THỦNG RUỘT VÌ NUỐT XƯƠNG CÁ, NUỐT TĂM LÚC… SAY RƯỢU

Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận trường hợp người đàn ông 40 tuổi, làm nghề thợ hồ tại TP.Hồ Chí Minh bị đau nhói vùng hông đến mức không thể gập người hoặc ngồi xuống được. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy người bệnh đau vùng hố chậu phải và chỉ định thực hiện siêu âm và CT-Scan bụng. Kết quả phát hiện dị vật như… tăm xỉa răng dài 6cm trong ổ bụng. 

Cây tăm đã xuyên thủng ruột non, đi vào ổ bụng, tạo khối áp xe ở vùng hố chậu phải khiến bệnh nhân đau đớn. Các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa đã phẫu thuật nội soi để đưa dị vật ra ngoài, cắt lọc và khâu lỗ thủng ở thành ruột non, loại bỏ khối áp xe, thám sát và rửa toàn bộ ổ bụng. Khi được hỏi, anh M. cho biết mình không thể nhớ đã nuốt cây tăm lúc nào, có thể trong buổi uống rượu cùng anh em, anh đã ngậm tăm đi ngủ rồi nuốt lúc nào không hay.

Một trường hợp khác cũng nuốt dị vật khi nhậu là ông N.T.C (55 tuổi, Cà Mau). Ông nhập viện trong tình trạng đau nửa bụng bên phải. Ông C. đã đau bụng âm ỉ gần 3 tháng trước và dùng nhiều thuốc giảm đau nhưng cơn đau không giảm. Gần đây, ông sờ thấy một khối lạ dưới hạ sườn phải, nhấn vào rất đau nên đi khám vì lo sợ mình bị ung thư. Kết quả siêu âm và CT-Scan bụng cho thấy tổn thương khu trú, có dị vật cản quang trong lòng bụng tạo thành ổ áp-xe, vị trí gần đại tràng góc gan. Ông C. nhanh chóng được thực hiện phẫu thuật nội soi để lấy dị vật, lọc bỏ toàn bộ khối áp-xe và khâu chỗ thủng. Dị vật được lấy ra là một chiếc xương cá 3cm được bao bọc bởi mạc nối lớn trong bụng. Sau 4 ngày nằm viện theo dõi, ông đã được xuất viện. Chia sẻ với bác sĩ điều trị, ông C. cho biết ông hay ăn cá và hay tổ chức ăn uống chung với bạn bè. Tuy vậy, ông cũng không nhớ mình nuốt xương cá vào lúc nào.

LOÉT THỰC QUẢN VÌ NUỐT VIÊN THUỐC CÒN NGUYÊN VỎ NHÔM

Nửa đêm, nhớ ra mình chưa uống liều thuốc cảm buổi tối, lại sợ bật đèn sáng làm người nhà thức giấc khi đang ngủ, anh N.H.H (Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) quyết định trút bịch thuốc từ túi bóng và uống trong bóng tối.

Vài ngày sau, anh H. cảm thấy khó chịu, đầy hơi, nuốt khó. Đến ngày thứ 10, thấy tình trạng đau không giảm, nghi ngờ mình bị đau dạ dày, anh H. đến Bệnh viện Bình Dân để khám. Anh được bác sĩ chỉ định thực hiện nội soi dạ dày để chẩn đoán. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ thuật, ống nội soi đi đến đoạn thực quản dưới thì đã phát hiện viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm ghim vào thành thực quản đã gây vết loét sưng tấy. Anh H. lập tức được chỉ định cho chụp X-quang và CT-Scan. Kết quả cho thấy hình ảnh dị vật cản quang xuyên vào thành thực quản đoạn 1/3 dưới. 

Phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa 
Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa dễ gây sặc dị vật
●Người lớn tuổi, trẻ em cần tránh thức ăn dai, trơn. Nên nấu thức ăn mềm nhừ trước khi ăn.
●Lưu ý các loại thịt cá có lẫn xương 
●Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong
●Bóc bỏ vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi uống
●Bỏ thói quen ngậm tăm, nhai xương khi ăn
●Khi có tiệc rượu hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống
●Chú ý khi mang răng giả tháo lắp, tránh nuốt phải răng giả. 

 

Khi được bác sĩ thông báo chính viên thuốc kẹt trong thực quản là nguyên nhân khiến anh nuốt khó, đau vùng thượng vị, đầy hơi khiến anh chỉ ăn được thức ăn mềm thì anh H. mới nhớ đến chi tiết mình đã uống thuốc trong bóng đêm.

CẦN ĐƯỢC CÁC BÁC SĨ CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO ĐIỀU TRỊ

Theo bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân, mỗi năm Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận 30-40 trường hợp dị vật đường tiêu hóa. Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng, hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non hay gặp nhất. Tùy thuộc vào vị trí của dị vật và tình trạng của tổn thương do di vật, phương pháp điều trị có thể là gắp dị vật qua nội soi tiêu hóa đối với dị vật thực quản, dạ dày hoặc phải can thiệp phẫu thuật. Đối với dị vật ruột non hoặc đại trực tràng thì phải phẫu thuật. 

Đi khám ngay khi có các triệu chứng sau
Nuốt khó, nuốt vướng, nôn khi cố ăn: Đây có thể là những triệu chứng của người có dị vật ở vùng thực quản. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn thì người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm nhớt và thức ăn.
Buồn nôn sau ăn: Có thể do dị vật ở dạ dày gây tắc môn vị và hành tá tràng. Người có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.
Đau bụng âm ỉ: Có thể do dị vật ở ruột non. Tuy nhiên đây là triệu chứng trong rất nhiều bệnh lý khác. Giai đoạn muộn, hình thành khối áp xe thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng nặng hơn, sốt, có hội chứng viêm phúc mạc.

Đối với trường hợp của anh H., để đưa dị vật ra ngoài một cách an toàn, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp viên thuốc trong lòng thực quản. Can thiệp này đã giúp anh H. tránh được nguy cơ viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm với các cạnh sắc nhọn làm thủng thực quản, hoặc tạo những ổ nhiễm trùng vỡ vào trung thất với nguy cơ gây tử vong rất cao vì đây là khoang chứa phổi, tim, là các cơ quan bảo đảm sự sinh tồn. Dị vật kẹt trong thực quản là một tình trạng cấp cứu và cần được xử trí kịp thời, đúng cách do các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đảm nhận. 

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi nhận thức được mình vừa nuốt dị vật, cần đến cơ sở y tế ngay để được can thiệp. Tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho “trôi” vì có nguy cơ tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm. 

TRẦN NHUNG

.
.
.