Liệu bạn có miễn dịch với COVID-19?
Khi số ca mắc Coronavirus (COVID-19) ngày càng tăng trên thế giới và hơn một tỉ người đang bị kẹt ở nhà, các nhà khoa học đang chật vật với câu hỏi khó khăn nhất của dịch bệnh này: Liệu những người sống sót sau khi mắc bệnh có trở nên miễn dịch với virus này không?
Ánh nắng mặt trời là khắc tinh của virus gây bệnh hô hấp. |
Miễn dịch rất quan trọng
Những người chắc chắn có miễn dịch có thể đi ra khỏi nhà và đóng góp sức lao động cho tới khi chúng ta tìm được vaccine. Đặc biệt, các nhân viên y tế có miễn dịch có thể tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân nguy kịch.
Gia tăng miễn dịch cộng đồng cũng là cách giúp dập dịch, với càng ngày càng ít người để lây bệnh, dần dần Coronavirus sẽ bị đẩy lùi, và kể cả các thành viên yếu nhất của cộng đồng cũng sẽ được bảo vệ khỏi bệnh này.
Miễn dịch cũng có thể hứa hẹn các phương pháp điều trị sớm. Kháng thể từ các bệnh nhân đã khỏi bệnh có thể được dùng để hỗ trợ những người đang mắc bệnh. Mới đây, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã phê chuẩn việc sử dụng huyết tương của các bệnh nhân đã khỏi bệnh để chữa cho các ca nặng. Trước đó, thống đốc bang New York Cuomo đã tuyên bố New York sẽ là bang đầu tiên thử nghiệm huyết thanh từ bệnh nhân đã hồi phục để chữa cho các bệnh nhân nặng.
Sự hình thành miễn dịch trong cơ thể như thế nào?
Hàng phòng thủ đầu tiên của cơ thể trước một loại virus gây bệnh truyền nhiễm là một kháng thể gọi là Globulin miễn dịch M, có nhiệm vụ cảnh báo tới phần còn lại của hệ miễn dịch khi có virus và vi khuẩn xâm nhập. Những ngày tiếp theo sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch tinh luyện kháng thể này thành globulin miễn dịch G, được thiết kế đặc biệt để nhận diện và vô hiệu hóa một loại virus cụ thể. Quá trình này có thể kéo dài tới một tuần. Cả quá trình này cũng như kháng thể cuối cùng trong mỗi cơ thể đều khác nhau. Một số người sản sinh ra các kháng thể mạnh mẽ, những người khác sản xuất kháng thể yếu hơn.
Kháng thể của một số virus như sởi và bại liệt có thể giúp kháng bệnh cả đời. Kháng thể của một số loại virus Corona gây bệnh cảm cúm chỉ tồn tại từ một tới ba năm – và điều này cũng có thể đúng với loại Coronavirus mới nhất này.
Một nghiên cứu trên khỉ nhiễm Coronavirus cho thấy một khi bị nhiễm bệnh, các con khỉ sản sinh ra kháng thể và không bị mắc thêm bệnh này nữa. Tuy nhiên, chúng ta không rõ liệu những con khỉ này, hay những người bị mắc bệnh này, sẽ kháng được bệnh trong bao lâu.
Theo bác sĩ Menachery tại Bệnh viện Đại học Texas ở Galveston, hầu hết những người nhiễm bệnh SARS – một họ hàng gần của Coronavirus lần này – có miễn dịch kéo dài từ 8 – 10 năm. Một số người mắc bệnh MERS, một loại Coronavirus khác, có miễn dịch ngắn hơn rất nhiều. Những người mắc Coronavirus lần này có thể có miễn dịch ít nhất 1- 2 năm, tuy nhiên chúng ta không biết miễn dịch có tồn tại quá khoảng thời gian đó không.
Tuy nhiên, nhà sinh vật học Florian Krammer ở Đại học Y Icahn tại Mount Sinai, New York cho biết kể cả khi sức bảo vệ của kháng thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn và những bệnh nhân này lại mắc lại bệnh, đợt nhiễm thứ hai khả năng cao là sẽ nhẹ hơn đợt thứ nhất rất nhiều. Kể cả khi cơ thể ngừng việc sản sinh ra kháng thể, một nhóm các tế bào miễn dịch ghi nhớ (immune memory cells) vẫn có thể kích hoạt lại các phản ứng một cách hiệu quả.
Một câu hỏi lớn là liệu trẻ em và những người trưởng thành mắc bệnh ở thể nhẹ có thể sản sinh ra phản ứng đủ mạnh để miễn dịch được với bệnh cho đến khi chúng ta chế tạo ra vắc xin hay không.
Bác sĩ Koopmans ở Đại học Erasmus ở Rotterdam và các đồng sự đã nghiên cứu phản ứng kháng thể ở 15 bệnh nhân và nhân viên y tế mắc bệnh. Họ cũng dùng mẫu máu từ khoảng 100 người nhiễm 1 trong 4 loại Coronavirus gây bệnh cảm cúm. Bác sĩ Koopmans cho biết nếu các mẫu máu này có một số phản ứng miễn dịch với loại Coronavirus mới, chúng ta sẽ hiểu được tại sao một số người – ví dụ, trẻ em – chỉ mắc bệnh ở thể nhẹ. Họ có thể có kháng thể với các loại virus Corona khác; các kháng thể này sẽ phần nào kháng được loại virus mới.
HÀ PHƯƠNG