Người người cần mẫn may khẩu trang
Hình ảnh cụ già 80 tuổi vẫn cần mẫn ngồi bên chiếc bàn may hay cả gia đình cùng nhau may khẩu trang để tặng người nghèo là những câu chuyện cảm động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19.
Cụ Nguyễn Thị Trang, 80 tuổi, cần mẫn may khẩu trang tặng người nghèo. Mỗi ngày cụ may được 70 chiếc và đặt trước nhà để mọi người đi qua nhận về. |
CHUNG TAY CHỐNG DỊCH
Chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Thị Trang ở 02, Đinh Tiên Hoàng, Phường 2 (TP.Vũng Tàu) sáng 10/4, đúng lúc cụ đang cặm cụi may khẩu trang trước hiên nhà. Ở tuổi 80, những nếp nhăn hằn in, đôi bàn tay nhăn nheo nhưng ánh mắt và khuôn mặt cụ vẫn toát lên vẻ minh mẫn, tinh anh. “Xem tivi, thấy dịch bệnh hoành hành, khiến tôi động lòng và nghĩ mình còn giúp được gì thì cố gắng làm để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đúng dịp này, Hội LHPN TP. Vũng Tàu phát động phong trào may khẩu trang tặng người nghèo. Nhà có sẵn máy may nên tôi mua vải về may khẩu trang để hưởng ứng phong trào”, cụ Trang kể.
Để có những chiếc khẩu trang bảo đảm vệ sinh, người nhận có thể dùng ngay, cụ Trang cẩn thận giặt vải sạch sẽ, phơi khô rồi mới cắt và may, xong lại cẩn thận đóng gói từng chiếc một. Ngày nào khỏe, cụ có thể cắt, may được 70 chiếc. Ngôi nhà của cụ Trang cũng được Hội LHPN Phường 2 chọn làm điểm phát khẩu trang miễn phí cho người nghèo. Khẩu trang được đặt trước nhà, ai cần đều có thể ghé lấy. Cụ Trang nhẩm tính, từ ngày 25/3 đến nay, hơn 600 chiếc khẩu trang do mình may đã đến tay người lượm ve chai, thợ hồ... Đôi lúc, đứng trước cửa nhà, thấy người đi tập thể dục, đi chợ không mang khẩu trang, cụ lại nhắc khéo và mời họ lấy khẩu trang để dùng. “Khi có nhiều người ghé nhận khẩu trang, tôi vui lắm vì thấy người dân ý thức được việc bảo vệ sức khỏe và việc làm của mình có ích cho cộng đồng. Mong sao mọi người chấp hành việc đeo khẩu trang tốt để tránh lây lan bệnh tật”, cụ Trang mong mỏi.
Phong trào may khẩu trang tặng người nghèo cũng được nhiều người cao tuổi hưởng ứng. Hơn 2 tuần nay, ngày nào bà Phạm Thị Thanh Huệ, 66 tuổi, ngụ tại 102, Lê Hồng Phong (TP.Vũng Tàu) cũng dành 4-5 tiếng cắt, may khẩu trang tặng người dân. Đến nay, bà đã chuyển 200 chiếc khẩu trang cho Hội LHPN Phường 4 để tặng người nghèo. Ngoài ra, bà còn tặng khẩu trang cho hàng xóm, người bán hàng rong, bán quán ăn... trên tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Trỗi. Sức khỏe không được tốt, đôi mắt cũng không còn tinh tường nên đôi lúc bà cũng mệt mỏi lắm. Vậy nhưng, những chiếc khẩu trang được người dân đón nhận vui vẻ chính là động lực để bà cố gắng.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Đức cùng may khẩu trang. |
CẢ NHÀ CÙNG LÀM VIỆC TỐT
Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang, trong khi diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, những chiếc khẩu trang miễn phí được trao tận tay người dân, đặc biệt là những người khó khăn mới thấy chúng thật đáng quý.
Những ngày qua, anh Nguyễn Tấn Đức (31, Hải Thượng Lãn Ông, phường Rạch Dừa) cùng vợ là chị Trần Thị Kiều Trinh và con trai Nguyễn Trần Đức Tấn (HS lớp 10, Trường THPT Nguyễn Huệ) đã cùng may khẩu trang để tặng người nghèo. Anh Đức là Phó Giám đốc Công ty TNHH Hy Vọng (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa). Trước khi chưa có dịch bệnh, sau một ngày bận rộn với công việc, buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần, anh có thể nhàn nhã ngồi xem tivi, đọc sách... Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, anh đã từ bỏ thói quen đó, dành thời gian cùng vợ và con may khẩu trang. Để “tiếp sức” cho vợ, anh Đức xin vải vụn của Công ty về làm nguyên liệu may khẩu trang.
Bà Phạm Thị Thanh Huệ cắt vải may khẩu trang tặng người nghèo. |
Căn phòng khách của gia đình trở nên sôi nổi sau mỗi bữa cơm tối hàng ngày. Anh Đức phụ trách khâu rập mẫu cho chị Trinh cắt. Sau đó, anh chị thay nhau may, còn cậu con trai thì phụ xỏ dây, cắt chỉ. Đến nay, gia đình chị đã may được hơn 400 khẩu trang. Là Phó ban điều hành khu phố 3, kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 3, phường Rạch Dừa, chị Trinh tìm gặp những người nghèo, khó khăn trong khu phố để tặng khẩu trang cho họ. “Công việc này đã giúp gia đình tôi thêm gắn bó. Điều quan trọng hơn là vợ chồng tôi đã hướng cho con trai làm việc thiện, ý nghĩa để chia sẻ khó khăn với người nghèo”, chị Trinh tâm sự.
“Tôi may khẩu trang và đem tặng cho người bán chổi rong, chị bán hủ tiếu, ai cũng vui mừng. Nhiều người còn ngỏ ý xin thêm cho người thân, bạn bè khiến tôi lại quên hết mệt mỏi, tiếp tục ngồi vào bàn may cả trưa không nghỉ”. |
Bài, ảnh: CẨM NHUNG