.

Hỗ trợ lao động tạm ngưng việc

Cập nhật: 23:31, 13/04/2020 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động dẫn đến một bộ phận người lao động (NLĐ) phải ngưng việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống... Trước tình trạng này, Chính phủ, địa phương, DN, tổ chức Công đoàn đã kịp thời có những giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực.    

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động khiến hàng ngàn lao động phải ngừng việc, giảm việc. Trong ảnh: Nhân viên KDL Hồ Mây chở khách tham quan bằng xe điện. KDL này đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 3/2020. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động khiến hàng ngàn lao động phải ngừng việc, giảm việc. Trong ảnh: Nhân viên KDL Hồ Mây chở khách tham quan bằng xe điện. KDL này đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 3/2020. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

50 NGÀN LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG

Từ 1/4 Công ty TNHH Fullxin Việt Nam (KCN Châu Đức, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) tạm cho 300 công nhân nghỉ việc không lương. Chị Võ Thị Ngọc Ánh (ngụ xã Nghĩa Thành) cho hay, vợ chồng chị cùng làm công nhân tại Công ty TNHH Fullxin Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã cho chị nghỉ việc không lương đến khi có thông báo mới. Chồng chị, anh Lê Hoàng Nam hiện vẫn đang đi làm nhưng dự tính khoảng 1 tuần nữa, khi công ty hết nguyên liệu, anh Nam cũng sẽ phải tạm ngưng việc. “Bình thường tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 17 triệu đồng/tháng. Nay nếu cả 2 phải ngưng việc kéo dài thì đời sống của chúng tôi sẽ rất khó khăn, vì chúng tôi còn phải nuôi con nhỏ”, chị Ngọc Ánh bày tỏ lo lắng. 

Chị Trần Thị Thu Thủy (SN 1990, ở một mình, thuê trọ tại địa chỉ 414/4, Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 10, TP. Vũng Tàu) là nhân viên bán hàng của một cửa hàng mắt kính tại Siêu thị Lotte Mart. Từ đầu tháng 4 đến nay, thực hiện lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, cửa hàng mắt kính nơi chị làm việc tạm dừng hoạt động nên chị phải tạm nghỉ việc không lương. “Hiểu khó khăn của tôi, chủ nhà trọ đã giảm phân nửa tiền phòng nhưng do không có lương nên cuộc sống của tôi gặp khó khăn. Hiện nay, tôi đang tìm việc làm thời vụ để có thu nhập trang trải cuộc sống”, chị Thủy cho biết.

Những câu chuyện trên đây không phải là hiếm gặp trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết, ước tính trên địa bàn tỉnh có 50 ngàn lao động, bao gồm lao động có hợp đồng, không có hợp đồng và lao động tự do bị mất việc làm, tạm ngưng việc làm. Hiện những lao động này đang gặp không ít khó khăn.

SỚM HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến đời sống NLĐ gặp khó khăn. Nhiều DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Dubai, châu Âu thiếu nguyên liệu đầu vào hoặc đối tác hủy đơn hàng, nên phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Chỉ tính riêng tại TP.Vũng Tàu, có 73 DN bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch bệnh, với tổng số 5.746 NLĐ bị giảm giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập; 1.636 lao động là giáo viên, bảo mẫu nghỉ việc không hưởng lương. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở một số DN du lịch và vận tải đã phối hợp cùng chủ DN lên phương án giảm lương và cho NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 5 ngày đến 8 ngày trong một tháng. Trong khi đó, một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngoài Nhà nước, do không có nguồn thu nên chủ cơ sở chỉ đóng bảo hiểm cho GV, nhân viên mà không hỗ trợ lương. 

Trước tình hình này, ông Nguyễn Phi Hùng cho hay, đối với những DN đang gặp khó khăn, Sở đề nghị các DN tạm ngưng đóng 2% phí công đoàn và có biện pháp trợ cấp khó khăn đột xuất cho NLĐ. Đồng thời, Sở đã có văn bản đề nghị DN, địa phương lập danh sách những người cần hỗ trợ nhằm triển khai kịp thời chính sách của Chính phủ đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, mức hỗ trợ được tính như sau: NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên do DN gặp khó khăn bởi dịch bệnh, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, chi trả hàng tháng, tính từ ngày 1/4 và không quá 3 tháng. NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, chi trả theo tháng, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Hiện nay, Sở đã tổng hợp thông tin những NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trình UBND tỉnh và đang chờ hướng dẫn của Bộ LĐTBXH về quy trình, thủ tục hỗ trợ. 

Riêng những người bán vé số lẻ, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh đã chuyển đến Sở LĐTBXH tỉnh số tiền 2,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3.000 người với mức 900 ngàn đồng/người/15 ngày (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4). 

Bên cạnh đó, ngày 31/3, LĐLĐ tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các DN tìm hiểu, lập danh sách những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn gửi về Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh) trước ngày 15/4 để có phương án hỗ trợ, tặng quà thăm hỏi, động viên kịp thời.

AN NHIÊN

.
.
.