Nhà trường và phụ huynh tiếp tục ứng phó với kỳ nghỉ kéo dài
“Kỳ nghỉ lịch sử” của HS các cấp MN, TH, THCS trên địa bàn tỉnh còn kéo dài đến hết 15/3. Trong thời gian này, nhà trường và phụ huynh tiếp tục đồng thuận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe cũng như kiến thức cho HS.
Bà Đặng Thị Hoàng Oanh (trú tại phường 7, TP. Vũng Tàu) vừa làm việc vừa tranh thủ kèm con trai học bài trong thời gian HS nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. |
PHỤ HUYNH ĐỒNG THUẬN
Tính từ ngày 3/2 đến nay, HS các cấp học MN, TH, THCS trải qua “kỳ nghỉ lịch sử” lên tới 7 tuần để phòng chống dịch bệnh COVID-19, chưa kể 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Dù vậy, với phương châm “an toàn trên hết”, đông đảo phụ huynh và các nhà trường đồng thuận với quyết định tiếp tục cho HS nghỉ học.
Bà Đặng Thị Hoàng Oanh (trú tại phường 7, TP. Vũng Tàu) có 2 con trai học lớp 1 Trường TH Song Ngữ và lớp 9 Trường THCS Nguyễn An Ninh. Bà Oanh chia sẻ: “Mặc dù khá lo lắng cho việc học hành của các con nhưng tôi nghĩ việc cho HS MN, TH, THCS tiếp tục nghỉ học để bảo vệ sức khỏe mới là điều quan trọng nhất. Thời gian các con nghỉ dài, sinh hoạt của cả gia đình, công việc của tôi cũng bị xáo trộn ít nhiều. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để chăm sóc, kèm 2 con học bài”.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) cho biết, qua kết quả thăm dò ý kiến phụ huynh cho thấy, toàn trường có 269/381 phụ huynh (chiếm 70,6%) muốn cho con nghỉ đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chỉ có gần 5% phụ huynh muốn cho con đi học, số còn lại không có ý kiến. “Tôi cho rằng việc cho HS ở lứa tuổi nhỏ tiếp tục nghỉ là rất hợp lý. Bởi ở lứa tuổi này, sức đề kháng cũng như hành vi của các em còn hạn chế, nếu có người nhiễm bệnh thì dễ dẫn đến lây lan nhanh, khó kiểm soát”, cô Thủy nói.
Kết quả khảo sát tại huyện Xuyên Mộc cũng cho thấy 80% phụ huynh chưa muốn cho con trở lại trường. Bà Thái Thị Thảo Sương, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho biết, chỉ có khoảng 15% phụ huynh MN, TH, THCS muốn cho trẻ đi học trở lại. Đây hầu hết là phụ huynh những trường ở vùng xa, thực sự khó khăn trong việc trông giữ trẻ. Còn khoảng 5% phụ huynh không có ý kiến. Tuy vậy, số liệu trên chỉ mang tính tham khảo trong thời điểm nhất định bởi ý kiến phụ huynh có thể thay đổi theo diễn biến dịch COVID-19.
NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH CÙNG HỢP TÁC
“Kỳ nghỉ lịch sử” tiếp tục kéo dài nên rất cần sự đồng hành của nhà trường và gia đình để HS bảo đảm sức khỏe và không “đánh rơi” kiến thức. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết thêm, đối với trẻ ở lứa tuổi MN, GV chủ nhiệm các lớp đã chuyển bài học qua nhóm Zalo của lớp để phối hợp với cha mẹ cho HS ôn lại những kiến thức đã học qua các hình thức: kể chuyện qua powerpoint, học tạo hình, âm nhạc, thể dục với nhạc... Những bài học bằng hình ảnh, âm nhạc, đoạn phim sinh động giúp trẻ ôn luyện được kiến thức đã học ngay tại nhà trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch. Cô Thủy nhấn mạnh: “Trong khi HS nghỉ học, phụ huynh nên dành thời gian gần gũi, trò chuyện và cùng trẻ học bài để việc học tập đạt hiệu quả tốt hơn là phó mặc cho con tự học. Đặc biệt, bên cạnh việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ, phụ huynh cần hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, cũng như tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe”.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì cho HS học bằng hình thức trực tuyến. Cô Phạm Thị Cách, GV Toán, chủ nhiệm lớp 9/4, Trường THCS Quang Trung (huyện Châu Đức) cho hay, thời điểm này, HS chủ yếu vẫn ôn lại kiến thức đã học. Để việc ôn tập hiệu quả, cô Cách đã hệ thống lại kiến thức từng bài học với đầy đủ lý thuyết, định lý, công thức… gửi lên hệ thống học trực tuyến cho các em mỗi tuần 2-3 lần. Mỗi chương, cô cho 10 bài tập, giúp các em vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức. Đồng thời, cô còn soạn bộ đề cho HS giải để phục vụ cho việc thi giữa kỳ, thi tuyển sinh lớp 10.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho hay, ngành GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng theo dõi tình hình dịch COVID-19 để chỉ đạo các cơ sở giáo dục phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả. Các cơ sở giáo dục tiếp tục vệ sinh trường lớp, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn HS học trực tuyến, tự ôn tập tại nhà qua phần mềm sổ liên lạc điện tử VnEdu, phần mềm miễn phí VioEdu, Viettel Study… Trước đó, Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tại Công văn số 476/MT-VP ngày 1/3/2020 của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
|
Tại huyện Côn Đảo, giải pháp học trực tuyến cũng được các trường TH, THCS áp dụng. Lý thuyết và bài tập được GV bộ môn cập nhật 2 kỳ/tuần. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo, do điều kiện của từng gia đình và tinh thần tự giác của mỗi HS khác nhau nên có khối lớp, lượng tham gia lên đến 80-90% nhưng cũng có khối lớp chỉ đạt 30%. “Để việc ôn tập của HS hiệu quả, GV chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở HS và liên hệ với phụ huynh nhằm phối hợp với nhà trường để đôn đốc, giám sát HS học bài trong thời gian nghỉ”, ông Mạnh nói.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI