Mô Xoài - nơi địa đầu của vùng Nam Bộ
Du khách đi trên Quốc lộ 51 hướng từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu, khi đến địa bàn TP. Bà Rịa, nhìn về hướng tay trái sẽ thấy dãy núi Dinh trải dài, ẩn hiện trong màu xanh thẫm, với lãng đãng những áng mây trắng mờ… Qua cầu Rạch Ván (TP. Bà Rịa), du khách bắt gặp dòng sông nhỏ bên dưới, khi đỏ nặng phù sa, khi xanh trong đang mải miết chảy đổ về phía biển, đó là sông Dinh.
Đường Mô Xoài, TP. Bà Rịa hiện nay. Ảnh: PHI DŨNG |
Ngọn núi, dòng sông này từng gắn liền với lưu dân người Việt mở đầu cho cuộc chinh phục khai phá vùng đất cách đây gần 400 năm về trước với tên gọi chung là Mô Xoài.
Hiện nay địa danh Mô Xoài không còn nữa, chỉ còn được lưu trong sử sách. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có chép về vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa như sau: “Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai (Biên Hòa trấn, nay thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, một phần tỉnh Bình Dương, một phần TP. Hồ Chí Minh ngày nay) đã có lưu dân đến ở chung với dân Cao Miên (tức người Khơmer) khai khẩn ruộng đất”. Ông còn cho biết thêm: “Núi Trấn Biên, tục danh núi Mũi Xuy (hay Mỏ Xoài) nằm cách phía đông trấn 154 dặm (1 dặm khoảng 444m) con sông Hưng Phước (tức sông Dinh) chảy qua vùng đất này còn có tên cũ là Mô Xoài”.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” thời vua Tự Đức biên soạn, có đoạn chép địa danh núi Mô Xoài như sau: “Núi Trấn Biên ở cách huyện Phước Bình (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) 6 dặm về phía tây bắc, tục gọi núi Mỗi Xoài (Mô Xoài)”. Đại Nam liệt truyện tiền biên cũng xác nhận trước khi mở đất Đồng Nai, người Việt đã có một thời gian lập nghiệp ở Mô Xoài: “Năm xưa mở phủ Gia Định cũng trước mở Hưng Phước (tức Mô Xoài) tới Đồng Nai”. Trong Sổ tay địa danh Việt Nam (xuất bản năm 2002), Đinh Xuân Vịnh có đề cập đến địa danh Mô Xoài: “Mô Xoài còn gọi là núi Trấn Biên, sau gọi là núi Dinh, ở huyện Phước Bình, phủ (tương đương với cấp huyện) Phước Long, tỉnh Biên Hòa”.
Từ những ghi chép của nhiều nguồn sử liệu, địa danh Mô Xoài xuất hiện với nhiều cách gọi khác nhau: Xứ (Mô Xoài), sông (Mô Xoài), núi (Mô Xoài), lũy (Mô Xoài), thành (Mô Xoài)… Qua đó chúng ta sẽ hình dung ra không gian Mô Xoài bấy giờ khá rộng lớn mà hiện nay gồm khu vực toàn TP. Bà Rịa và cả huyện Long Điền.
Trải qua nhiều thế kỷ, địa danh Mô Xoài gắn liền với sự tiên phong của các bậc tiền nhân đến khai hoang, mở đất, lập làng. Từ năm 1837, triều Nguyễn lập dinh phủ Phước Tuy (gồm huyện Phước An, Long Thành, Long Khánh), phủ lỵ đặt tại thôn Phước Lễ (nay thuộc phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa). Dinh phủ, cơ quan hành chánh đầu não được dựng nên. Phước Lễ trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự… của phủ Phước Tuy. Có lẽ từ đây, tiếng dinh trở nên quen thuộc, dần dần các tên chợ Dinh, núi Dinh, sông Dinh… được thay thế bằng Mô Xoài.
Dấu tích bức tường của Đình Long Điền (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) thuộc trung tâm xứ Mô Xoài. |
Vì sao vùng đất Mô Xoài trở thành điểm dừng chân và thu hút người Việt đầu tiên đến lập nghiệp nơi này? Có lẽ vì vùng đất này hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa phục vụ làm ruộng, đánh bắt hải sản, buôn bán… cho các nhóm dân cư khác nhau từ vùng Ngũ - Quảng đến lập nghiệp. Trịnh Hoài Đức viết: “Đất ấy lưng dựa vào núi, mặt nhìn biển, rừng rậm tre dài, ở trên có trường tuần để gọi những người Man Mạch (người Hoa ở phía bắc Trung Quốc) đến đổi chác, ở dưới có cửa bến, để xét hỏi ghe thuyền ra biển, trạm bộ giao tiếp với nhau”.
Quá trình khẩn hoang và tạo nên những xóm làng trù phú của người Việt trên vùng đất Mô Xoài xưa, BR-VT ngày nay gắn liền với cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, trong đó có dấu ấn sâu đậm của cuộc hôn nhân giữa con gái chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên là Công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chettha II của Chân Lạp vào năm 1620. Từ đây, vùng đất Mô Xoài được lưu dân người Việt nhanh chóng mở rộng sang các tỉnh Đồng Nai, Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long…
Trải qua nhiều thế kỷ, TP. Bà Rịa luôn giữ vai trò vị trí quan trọng chiến lược của vùng đất xứ Mô Xoài xưa. Hiện nay, Bà Rịa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại… với sức sống vươn lên của một đô thị hiện đại nhưng trong lòng vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên từ gần 400 năm về trước. Trong đó, con đường khá lớn mang tên Mô Xoài chạy qua địa bàn xã Tân Hưng.
NGUYỄN TÂM