Ít nói, chắc gì đã tốt?
“Dám cam đoan rằng, lúc mới làm quen, chỉ vừa mắt liếc tình đưa, chẳng một ai thích người tình của mình luôn mồm mép tép nhảy. Hễ gặp chuyện gì cũng oang oang bình luận, có ý kiến ý cò nọ kia, tỏ vẻ ta đây cái gì cũng biết tuốt. Oải lắm. Dù trúng, đúng đi nữa nhưng người đẹp ấy, dẫu có sắc nước hương trời cỡ Tây Thi, Kiều Nguyệt Nga, Cleopatra… đi nữa nhưng lúc nào cũng xoen xoét như mồm sẹo gỗ thì các ông cũng chạy mất dép”.
Minh họa: MINH SƠN |
Chà, mới sáng sớm gặp mặt, vừa ngồi xuống ghế chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đã nghe Nhân nói luôn một hơi dài. Tôi ngạc nhiên ghê. Mà thôi, chẳng nên thắc mắc làm gì vì bạn mình nói đúng chóc.
Lập tức, tôi nghĩ đến “Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời”. Rằng, lúc cùng thong thả bước vào nhà hàng, vừa cầm menu, chàng hỏi: “Em ơi, gọi món này nhá, có được không?”, nàng cười mà rằng: “Dạ”. Chỉ thế thôi, nghe đã êm ái xuân tình và nhất là lúc rụt rè đề nghị món ấy, chàng đã… cân nhắc túi tiền. Nếu rằng là, lúc ấy, nàng bảo: “Anh ơi, món ăn này tuyệt lắm, chắc anh cũng biết trong đó có các chất X, Y, Z rất ích lợi cho sức khỏe. Ngày xưa, còn đi học thầy cô giáo có dạy rằng…; sau này đọc sách, em mới biết thêm rằng…”. Chưa hết, nàng còn dông dài viện dẫn ra hàng chục lý do khác để tán thành mà kiến thức ấy cũ như trái đất. Thế nên cái sự diễn giải dông dài ấy, nghe ra cũng dễ tự ái lắm. Vậy hóa ra, mình chẳng hiểu gì về chuyện ăn uống thế nào cho khỏe, trẻ cái tấm thân?
Vậy thì, ít nói, vẫn có cái hay của nó đấy. Lúc cùng chung sống, tính cách ít nói ấy dứt khoát cũng là điều cần thiết để tạo nên hạnh phúc. Do nghĩ vậy, tôi nói với Nhân: “Bồ tèo nói cứ như sách”.
Nào ngờ, hắn thở dài sườn sượt: “Nhầm to. Tớ vừa bị vợ mắng một trận cho ra trò”. Biết ngay mà, do thói mèo mỡ lăng nhăng chứ gì? Sau giây phút trầm ngâm, hắn ta gật gù: “Thử hỏi, mọi chuyện trong nhà, lúc cần hỏi ý kiến, bà xã cứ ngậm tăm, cứ câm như thóc, chẳng có ý kiến gì sất, cậu có thích không?”.
Đại khái, khi chọn trường cho con, hỏi đến, vợ bảo: “Tùy anh”; lúc hỏi về chuyện xây nhà, bố trí ra làm sao, sơn màu gì, chọn gạch thế nào, vợ cũng bảo: “Tùy anh”. Dù chuyện nhỏ, lớn gì cũng “tùy anh”, tức chồng muốn làm sao thì vợ chiều theo. Rồi có lúc rối trí trong kinh doanh, mua bán, cảm thấy phân vân, dù hỏi nhưng vợ chẳng góp thêm ý kiến gì cả. Cuối cùng, hắn ta bèn hỏi cô trợ lý. Ối dào, sao tâm đầu ý hợp đến thế! Dù chẳng có sáng kiến, kế hoạch gì ghê gớm, nhưng những câu nói đồng tình, động viên của cô khiến hắn ta phấn chấn và cuối cùng quyết định thực hiện.
Câu chuyện chỉ có thế? Vâng, chỉ có thế.
Nhưng rồi, sau đó lại như thế nào? Khi đặt ra câu hỏi cho trường hợp cụ thể này, có lẽ nhiều người đồng tình: sau tháng ngày tán tỉnh yêu nhau, sau chăn êm nệm ấm, điều họ cần còn là những ý kiến chia sẻ, sự đồng tâm hiệp ý của nhau trong công việc nữa. Thế nhưng khi hỏi đến, “người ta” lại chủ trương “im lặng là vàng”. Sở dĩ im lặng, không có ý kiến gì bởi “nửa này” chỉ đơn giản nghĩ, một khi mình đã có thái độ “hòa hợp” thân thiện, “thích thì chiều”, ắt “nửa kia” hài lòng lắm đây.
Thật ra, chẳng phải đâu. Có những lúc cần, rất cần “tham mưu” góp ý bởi họ đang phân vân, cần hỏi thêm ý kiến trước lúc quyết định. Mà ý kiến của ai là đáng tin cậy nhất, cần tham khảo nhất, nếu không phải là vợ/chồng? Thế mà, “người ta” cứ im ỉm, chẳng chịu há miệng ra nói một câu.
Nhiều người biện minh: “Vấn đề ấy của chồng/vợ, mình có am hiểu gì về chuyên môn đâu mà dám xía vào?”. Nói thế là nhầm. Về tâm lý, những lúc ấy, họ cần là cần sự bàn bạc của “nửa kia”, dù không giúp thêm gì nhưng các cuộc trao đổi, bàn bạc ấy là cần thiết. Dù gì công việc này họ cũng đã “thông qua”, đã trao đổi trước. Sau này, thành công thì vợ chồng cùng vui, dẫu thất bại cũng khỏi áy náy. Thế mà...
Vậy, lần sau họ có còn hỏi đến nữa không? Tôi không dám quả quyết nhưng có biết một chuyện cụ thể, đại khái, cô X là chủ quán cà phê, anh Y là nhà báo. Gặp lúc làm ăn không còn thuận lợi như trước, khách ngày một vắng, cô bàn bạc với chồng làm thế nào để thay đổi. Người chồng lấy lý do làm ăn buôn bán là việc của vợ, anh ta có biết gì đâu mà bàn với luận? Không khéo do mình ý kiến nọ kia mà tình hình hình ngày càng tệ hơn, lại bị vợ đổ thừa thì phiền toái lắm. Chi bằng cứ im ỉm, chẳng nói chẳng rằng, chẳng đồng tình, chẳng phản đối vẫn tốt hơn chứ?
Ngày qua ngày, có người khách quen đến như mọi ngày, cô X “trút bầu tâm sự” và nghe được nhiều ý kiến xác đáng, cô làm theo. Trong lúc đó, người chồng vẫn cứ dửng dưng như không. Từ việc thay đổi cách pha cà phê, chọn dòng nhạc, trang trí lại quán, cách phục vụ…, tình hình ngày một khả quan hơn.
Rõ ràng, giữa lúc “nửa kia” im lặng, không quan tâm ắt “nửa này” phải nhờ cậy người khác. Nhân - bạn tôi hoặc cô X phải nhờ đến người ngoài, rồi sau đó, mối quan hệ này cứ dây dưa mãi nên mới rối. Kể ra cũng “oan” cho họ đấy, nếu ngay từ đầu cô vợ/anh chồng không tạo cơ hội thì làm sao dẫn đến sự gian díu này? Nói như thế, không phải nhằm bênh vực nhưng thiết nghĩ mọi việc sẽ không rắc rối nếu ngay từ đầu “nửa này” hỏi ý kiến, “nửa kia” chọn lấy cách ứng xử khác, chứ không chủ trương “im lặng là vàng”.
LÊ MINH QUỐC