Dạy học trực tuyến trong mùa dịch COVID-19: Thiếu đồng bộ, khó công nhận kết quả
Giữa tháng 3, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian HS nghỉ học để phòng chống COVID-19. Khi HS đi học trở lại, Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Tuy nhiên, rất khó để công nhận kết quả học tập cho HS khi hình thức dạy học trực tuyến chưa đồng bộ như hiện nay.
Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án củng cố kiến thức cho HS chưa tiếp cận được phương pháp học trực tuyến. Trong ảnh: GV Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) in tài liệu học tập chuyển cho phụ huynh để hỗ trợ HS tự học trong thời gian nghỉ học. |
HẠ TẦNG CHƯA ĐỒNG BỘ
Ghi nhận ý kiến từ các nhà trường và đơn vị quản lý giáo dục cho thấy, việc tổ chức học trực tuyến chưa đồng bộ nên nếu công nhận kết quả học trực tuyến sẽ khiến những HS chưa có điều kiện tiếp cận với hình thức này chịu thiệt thòi.
Thầy Nguyễn Xuân Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Châu Đức) cho biết, xã Suối Rao thuộc danh sách các địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ HS toàn trường có điều kiện học trực tuyến chỉ khoảng 30%. Trong thời gian HS nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường mới chỉ đưa tài liệu ôn tập một số môn như Toán, Vật lý, Hóa học lên hệ thống E-Learning hoặc in tài liệu phát cho những em không có điều kiện học trực tuyến. “Hiện nay, điều kiện của mỗi địa phương, mỗi nhà trường cũng như gia đình HS khác nhau nên khó có thể tổ chức dạy học trực tuyến một cách đồng loạt. Do đó, việc công nhận kết quả học từ xa trong thời gian HS nghỉ để phòng, chống dịch là chưa công bằng với HS nghèo, vùng sâu vùng xa”, thầy Hưng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức phân tích, việc giảng dạy từ xa đòi hỏi phải trang bị máy móc, trang thiết bị, đường truyền. Khi điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều HS không thể tiếp cận phương pháp dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình thì không nên công nhận kết quả dạy học bằng phương pháp này. Năm học 2019-2020, huyện Châu Đức có khoảng 20.000 HS THCS, TH, MN. Để khắc phục khó khăn trong thời gian HS nghỉ học do dịch bệnh, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường tuyên truyền tới phụ huynh tạo điều kiện cho các em học tập qua truyền hình cho HS từ lớp 4 tới lớp 12. Ngoài ra, GV chủ nhiệm, GV bộ môn giao nhiệm vụ học tập cho HS qua hệ thống VnEdu, Viettel Study, ứng dụng Zalo… Tuy vậy, vẫn còn khoảng 20% HS chưa tiếp cận được các hình thức học tập này. Số HS tiếp cận được cũng chưa thể bảo đảm lượng kiến thức tiếp thu do ý thức tự giác của các em chưa cao và nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm.
Còn tại huyện Côn Đảo, tỷ lệ HS tham gia học trực tuyến cũng không đồng đều dẫn đến khó có thể kế thừa kết quả giảng dạy này. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho biết, do điều kiện của từng gia đình và tinh thần tự giác của mỗi HS nên có khối lớp, lượng HS tham gia học trực tuyến lên đến 80-90% nhưng cũng có khối lớp chỉ đạt 30%.
Em Nguyễn Huỳnh Khả Duyên (HS lớp 8.7, Trường THCS Nguyễn An Ninh) học trực tuyến môn Toán tại nhà. |
CẦN THỐNG NHẤT TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ
Tại Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc), do chưa có hướng dẫn cụ thể nên trước mắt, nhà trường tập trung ôn lại kiến thức học kỳ 1 với một số môn Tự nhiên, chủ yếu cho HS lớp 12 để phục vụ việc thi THPT quốc gia. Theo thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng nhà trường, việc triển khai giảng dạy chưa đồng đều ở các môn, các cơ sở giáo dục đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần có cơ chế giám sát, đánh giá kết quả giảng dạy, học tập một cách phù hợp để bảo đảm khách quan, hợp lý. Tuy nhiên, thầy Minh cũng cho rằng giải pháp tối ưu vẫn là kéo dài thời gian năm học, tinh giản chương trình học và tổ chức giảng dạy, đánh giá trực tiếp khi HS được đi học trở lại.
Học trực tuyến trên Internet và trên truyền hình là phương thức học tập mới mẻ, trong khi việc áp dụng quá gấp gáp. Vì vậy, cần thời gian cho các nhà trường, GV, HS học thí điểm ở một số tiết, một số môn, tự rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Trong lúc này, không nên vội vàng công nhận kết quả học trực tuyến.
(Thầy Lê Trúc Thanh Tùng, Giám đốc TT GDTX huyện Côn Đảo)
|
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cũng nhận định, việc công nhận kết quả học trực tuyến sẽ phát sinh nhiều bất cập. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường khảo sát số lượng HS không thể tiếp cận phương thức học tập này cùng những khó khăn, vướng mắc gặp phải để đề xuất Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. “Sở GD-ĐT đề nghị nhà trường lưu ý các phương án cho HS không có điều kiện tham gia học trực tuyến tiếp cận đầy đủ nội dung học tập của các chủ đề, tránh gây áp lực cho HS và phụ huynh trong tổ chức học trực tuyến. Đặc biệt, không dùng kết quả trong quá trình ôn tập tại nhà để đánh giá, xếp loại HS”, bà Châu thông tin thêm.
Nhằm hỗ trợ HS học tập trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Đài PT-TH tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS lớp 9 và lớp 12 vào cuối tháng 3/2020. Chương trình sẽ góp phần củng cố kiến thức học kỳ I và chuyên đề học kỳ II năm học 2019-2020 các bộ môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; hướng dẫn HS làm các dạng bài tập cơ bản. Thời lượng phát sóng mỗi môn 2 tiết/tuần.
|
Hiện tại, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường tiếp tục ứng dụng CNTT để tổ chức ôn tập cho HS thông qua hình thức học trực tuyến trên Internet và chương trình của một số đài truyền hình: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, Đài Truyền hình Đồng Nai, Đài Truyền hình Nghệ An…
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG