.

Bồ Đề - Ngôi chùa gắn với điển tích trong đạo Phật

Cập nhật: 21:00, 16/02/2020 (GMT+7)

Tọa lạc ở số 25, Vi Ba, phường 1, TP. Vũng Tàu, chùa Bồ Đề nổi bật giữa núi rừng bao la, hướng ra vùng biển Bãi Trước rộng lớn. Ngôi chùa được đặt theo tên của một loài cây gắn với điển tích quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. 

Cây bồ đề có tên khoa học là Ficus Religiosa. Theo các điển tích về Phật giáo, cây bồ đề đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo. Vì vậy, cây bồ đề được trồng khắp nơi trên thế giới và tượng trưng cho may mắn.
Cây bồ đề có tên khoa học là Ficus Religiosa. Theo các điển tích về Phật giáo, cây bồ đề đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo. Vì vậy, cây bồ đề được trồng khắp nơi trên thế giới và tượng trưng cho may mắn.

Tháng Giêng, anh bạn rủ lên chùa Bồ Đề thắp nhang chiêm bái, cũng là dịp thăm viếng phong cảnh đất trời đầu Xuân. Từ đầu đường Vi Ba, chúng tôi gửi xe máy ở nhà một hộ dân rồi cùng nhau cuốc bộ trên con đường dốc thoai thoải men theo triền Núi Lớn. Càng lên cao, khung cảnh càng thơ mộng. Đến đoạn hướng ra Bãi Trước, không gian thoáng đãng mở ra trước mắt khách bộ hành. Gió biển lồng lộng thốc vào mặt xua tan những giọt mồ hôi sau những bước chân chinh phục dốc núi. Trên mặt biển bao la, những con tàu hàng, tàu cá qua lại vội vã cho kịp chuyến hàng, chuyến biển. Trên sườn núi, rừng cây đang vào mùa thay lá, lộ ra những thân cây trơ trụi, khẳng khiu xen lẫn sắc đỏ, sắc vàng của những tàn lá úa. 

Sau một hồi đi vòng vèo lên lưng chừng núi, chúng tôi rẽ vào nhánh đường nhỏ, dốc ngắn để vào chùa Bồ Đề. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là 3 cây bồ đề đại thụ ở cửa chánh điện và sân chùa. Dưới gốc mỗi cây bồ đề đều có tượng Phật ngồi thiền ở các tư thế khác nhau. 

Chúng tôi đi theo bậc tam cấp lên chánh điện thắp nhang lễ Phật. Ngỏ ý muốn tìm hiểu về quá trình xây dựng chùa Bồ Đề, chúng tôi được một vị tăng ni mời xuống thiền phòng, gặp sư trụ trì là Thượng tọa Thích Chánh Minh. Thượng tọa Thích Chánh Minh sinh ra ở Vũng Tàu, là trụ trì chùa Bồ Đề đã nhiều năm qua. 

Tiếp chúng tôi ở bộ bàn trà kê giữa tiền sảnh, Thượng tọa Thích Chánh Minh kể, năm 1968 phật tử Vũng Tàu phát tâm cúng 7.000m2 đất cho Hòa thượng Thích Huệ Tông để xây dựng ngôi chùa trên Núi Lớn. Vị trí chùa ở độ cao khoảng 200m so với mực nước biển, quang cảnh thoáng đãng thanh tịnh, rất phù hợp để những người tu hành dừng chân sống cuộc đời độc cư thiền định. Ban đầu Hòa thượng Huệ Tông chỉ xây một vài liêu cốc để ngài và chư tăng tu thiền. Sau này, thấy đạo tâm và lòng thành của phật tử, Hòa thượng cùng chư tăng xây chùa để hoằng pháp.  

Bảo tháp xá lợi Phật và chánh điện chùa Bồ Đề dưới tán cây bồ đề  xanh mát.
Bảo tháp xá lợi Phật và chánh điện chùa Bồ Đề dưới tán cây bồ đề xanh mát.

Năm 1970, Hòa thượng Huệ Tông lấy giống một cây bồ đề từ Ấn Độ đem về trồng trước cửa chánh điện và đặt tên chùa là chùa Bồ Đề, hay còn gọi là Bồ Đề Tịnh xá. Từ cây giống bồ đề mang về từ Ấn Độ, các tăng ni đã chiết giống để trồng thêm 2 cây khác trước sân chùa. Còn xá lợi Phật được Hòa thượng Thích Huệ Tông thỉnh về từ Sri Lanka vào khoảng đầu những năm 1970, nhưng mãi đến năm 1993, nhà chùa mới xây được bảo tháp xá lợi Phật vững chắc, uy nghi như hiện nay. 

Trầm ngâm một lúc, Thượng tọa Thích Chánh Minh kể tiếp, chùa Bồ Đề nằm ở trên cao, lại hướng ra biển, nên trong cơn bão số 9 đổ vào Vũng Tàu năm 2006, nhà chùa bị tổn thất nặng nề. Chánh điện và khu tịnh thất đều hư hại. Rất may, bảo tháp xá lợi Phật và 3 cây bồ đề vẫn trụ vững. Sau trận bão, chùa Bồ Đề đã được UBND TP. Vũng Tàu hỗ trợ kinh phí và các tăng ni, phật tử phát tâm cúng dường xây dựng lại ngôi tam bảo rộng rãi, khang trang như hiện nay. 

Chúng tôi chào tạm biệt Thượng tọa Thích Chánh Minh, bước xuống sân chùa để ra về. Anh bạn cùng đi kéo tay tôi nán lại ngắm tượng 2 con rồng uốn lượn trên lan can trước sân, đầu hướng vào chùa, đẹp đến mê hồn.

Bài, ảnh: TRẦN BÌNH

.
.
.