"Sống chung" với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, bệnh nhân COPD vẫn có thể sống khỏe mạnh nếu tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống lành mạnh.
Người bệnh COPD đến khám định kỳ sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Trong ảnh: Nhân viên y tế của Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí hướng dẫn bệnh nhân sử dụng dụng cụ đo chức năng hô hấp để tầm soát bệnh hen, COPD. |
Ông Đinh Thanh Hoàn (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) phát hiện mình bị COPD từ năm 2015 trong một lần lên cơn khó thở phải đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. Tuy nhiên, sau khi ra viện, do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh nên ông chủ quan, không tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ. Do đó, bệnh của ông ngày càng trở nặng, khiến sức khỏe suy kiệt, chỉ cần đi bộ chừng vài chục bước, ông đã lên cơn khó thở. Người nhà buộc phải đưa ông lên Bệnh viện Bà Rịa để điều trị. Phải mất hơn nửa năm kiên trì tập luyện, tuân thủ nghiêm ngặt điều trị của bác sĩ, sức khỏe của ông mới dần cải thiện. Hiện giờ, ông đã có thể đi lại và vận động thể dục nhẹ nhàng.
Không chỉ riêng ông Hoàn, hiện nay tình trạng bệnh nhân mắc COPD không tuân thủ điều trị, điều trị muộn khiến bệnh tiến triển nặng, còn diễn ra phổ biến. Ghi nhận tại Bệnh viện Bà Rịa, có đến 90% bệnh nhân COPD đến bệnh viện điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, bệnh lý này mới chỉ có thể điều trị làm giảm triệu chứng bệnh thông qua việc dùng thuốc đúng cách, đầy đủ và tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ. Hơn nữa, bệnh thường có các triệu chứng: Ho khạc đờm, khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian. Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như: viêm họng mãn, viêm phổi... nên người bệnh chủ quan và không có định hướng khám và điều trị đúng.
Nguyên nhân gây ra bệnh COPD là do tắc nghẽn hoặc tổn thương các mô trong phổi gây ra. Đây là loại tổn thương thường xảy ra khi người bệnh thường xuyên hít phải các chất kích thích (thuốc lá, hóa chất, môi trường ô nhiễm…) trong một thời gian dài. Những con số thống kê về COPD cho thấy mức độ nguy hiểm và tốc độ tăng của bệnh như: Mỗi năm, toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc COPD, chiếm 5% dân số. Năm 1998, thế giới có 2,9 triệu người tử vong vì COPD, chiếm 5,5% tổng số ca tử vong trên thế giới. Năm 2004, con số này là 2,66 triệu người, chiếm 4,8%. COPD là nguyên nhân tử vong thứ 4, chỉ sau ung thư, bệnh tim mạch và mạch máu não. Theo dự đoán đến năm 2020, COPD sẽ nhanh chóng vượt qua ung thư để đứng ở vị trí số 3. Một điều đáng lưu ý, có đến 90% bệnh nhân COPD có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Do đó, để phòng bệnh COPD cần từ bỏ việc hút và tránh xa môi trường khói thuốc lá.
COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh; từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, kiểm soát được bệnh ở giai đoạn ổn định, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Bác sĩ Lương Thúy Nguyệt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, khi đã mắc COPD, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh để giúp bệnh nhân điều trị đúng phác đồ, sử dụng đúng thuốc, đúng liều và tránh các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là khói thuốc lá.
Hiện nay, tại Bệnh viện Bà Rịa đang quản lý điều trị cho khoảng hơn 500 bệnh nhân COPD. Hằng tháng, người bệnh đến khám định kỳ sẽ được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Từ đó, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, chế độ sinh hoạt hợp lý và các bài tập phục hồi chức năng cho cơ quan hô hấp. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mắc bệnh này nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm, tiêm vắc xin phòng viêm phổi 4 năm/lần, bởi người bệnh COPD rất dễ nhiễm và nặng hơn khi mắc những bệnh này.
Bài, ảnh: MINH THIÊN