Những người đam mê đồ cổ
Sưu tầm đồ cổ là thú chơi tao nhã nhưng cũng lắm công phu. Tùy theo sở thích khác nhau mà người chơi có thể sở hữu được món đồ mà mình ưng ý.
Ông Trần Duy Lập với những món đồ xưa mà anh đã kỳ công sưu tập được. |
Khác hẳn với khung cảnh kinh doanh buôn bán nhộn nhịp ở phía trước, phía sau ngôi nhà 252 Trương Công Định, phường 3, TP. Vũng Tàu là cả một không gian xưa của ông Trần Duy Lập. Khi tôi đến, ông Lập mở những bản nhạc xưa cũ lưu trong băng cối được phát ra từ một chiếc máy nghe nhạc hiệu Akai của Nhật có tuổi đời gần 100 năm. Một giọng ca nam trầm khàn vang lên những lời ca đầu tiên trong bản nhạc “Những chiều không có em” khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh trong những thước phim đen trắng thời xưa. “Món đồ cổ đầu tiên mà tôi mua là máy hát bằng ống nhạc có cái loa khếch đại hiệu Edison Stardard của Mỹ được sản xuất từ năm 1890 với giá 35 triệu đồng từ năm 2003, khi tôi mới tập tành chơi đồ cổ”, ông Lập bắt đầu câu chuyện. 15 năm qua, ông đã sưu tập hơn 500 món với đủ các thể loại từ các đồng hồ, máy nghe nhạc, gốm sứ, tranh, sách, liễn đến kỷ vật chiến tranh như bình đông, nón cối, đèn măng xông, bàn ủi con gà… Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại đồng hồ: đồng hồ tủ, đồng hồ vai bò, đồng hồ tạ xích, đồng hồ quả lắc…
Theo ông Lập, mỗi một món đồ trong bộ sưu tập là cả một quá trình tìm kiếm dài ngày của người chơi. Không phải một lúc mà có được, người chơi đi đến đâu có đồ xưa, thấy thích thì tìm cách rước về bằng được. Thậm chí những người cùng thú chơi còn tổ chức hẳn các cuộc săn lùng, tìm kiếm hoặc tham gia chợ đồ cổ để ngắm và chọn mua. “Bộ sưu tập đồ cổ của tôi có tổng trị giá khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tôi vẫn thường giao lưu, chia sẻ với những người yêu đồ xưa những món mà mình có. Ai thích món gì, nếu thấy được thì trao đổi rồi lại mua thêm món khác”, ông Lập nói.
Nhắc đến giới chơi đồ cổ tại Vũng Tàu không thể không kể đến ông Nguyễn Tân Hưng, ở 88, Bạch Đằng, phường 5, TP. Vũng Tàu, bởi đã dành phần lớn thời gian của mình không chỉ để sưu tập mà còn để nghiên cứu về gốm. Sau 15 năm tìm hiểu và sưu tập, đến nay, ông Hưng đã có gần 500 món đồ gốm các loại. Theo ông Hưng, những món đồ gốm mà ông dày công sưu tập có 3 dòng: gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu và gốm Cây Mai. Sở dĩ ông thích các dòng gốm Nam bộ bởi lẽ chúng có nước men đẹp, làm bằng thủ công, khắc và nung bằng củi nhưng hình thái cực kỳ tinh tế và rất khó bị phai màu theo thời gian. Chơi gốm sứ cổ, ngoài có tiền, người chơi cần có kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá sản phẩm theo đúng giá trị lịch sử, văn hóa người xưa để lại và thưởng thức, cảm nhận được “hồn gốm sứ” với tất cả tâm huyết của nghệ nhân làm ra sản phẩm.
Anh Nguyễn Tân Hưng (phải) và Nguyễn Lê Phi Long trao đổi kinh nghiệm chọn đồ xưa. |
Quán cà phê mang tên “Hoài Niệm” (232/10 Bình Giã, phường 8, TP. Vũng Tàu) do anh Nguyễn Lê Phi Long (35 tuổi) làm chủ, được xây dựng sau 5 năm tích lũy các món đồ cổ để mở quán. Đó cũng là không gian để những người yêu đồ cổ ở BR-VT đến giao lưu, chiêm ngưỡng những món đồ cổ. Quán không có máy lạnh, không có wifi, chỉ có những bản nhạc xưa cất lên từ những chiếc máy nghe nhạc cũ. Ở đó, từ bức tường, cái rèm cửa, bộ bàn ghế uống cà phê, cây đàn guitar… đến các sản phẩm trưng bày trong quán đều rất cũ. Anh Long cho biết, anh đam mê đồ cổ: gốm, sứ, đồ đồng, đồ gỗ… Góp nhặt được anh mở quán để cho những người cùng đam mê đến giao lưu. Quán chỉ mở vào 2 buổi sáng Thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần. Đến đây, anh em chủ yếu chỉ trao đổi chuyện cái bình sứ này có cái tích xưa hay lắm, chuyện cái bình đông kia sưu tập được từ một người lính tham gia chiến trường mang về, chuyện cái ấm tích, cái bình vôi nọ của một gia đình người quen để lại… Theo anh Long, chơi đồ cổ là những thú chơi của những người sưu tập, tìm chơi những thứ đồ hiện còn lưu giữ lại từ xa xưa như đồ đồng, đồ ngọc, gốm sứ, bàn ghế, tủ, sách, tranh thư pháp, tem thư… Hiện tại BR-VT hiện có khoảng 20 người sưu tập đồ cổ.
Giữa dòng chảy xô bồ của đời sống hiện đại, những món đồ hàng trăm năm tuổi gợi nhớ ký ức, hoài niệm về một thời đã lùi vào quá khứ. Và người chơi đam mê kiếm tìm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử trong từng hiện vật. Trong không gian “Hoài Niệm”, anh Tiêu Cẩm Quyền (360 Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu), một người chuyên sưu tập đồng xu cho hay, anh thích những đồng tiền xu từ bé. Theo anh Quyền, không khí ở “Hoài Niệm” yên ắng, rất thích hợp để trò chuyện, trao đổi với những người cùng chung sở thích sưu tầm đồ cổ.
Bài, ảnh: QUANG VŨ