.

Phòng ngừa bệnh cho trẻ khi trời trở lạnh

Cập nhật: 07:40, 01/11/2019 (GMT+7)

Thời tiết bắt đầu hanh khô hơn khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cúm mùa, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên. Do đó, cha mẹ cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh cho con, nhất là những lúc trời trở lạnh.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Lê Lợi.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Lê Lợi.

Những ngày qua, ghi nhận tại các phòng khám nhi cho thấy, khá đông trẻ em đến khám do bị sốt, ho, sổ mũi. Bé Nguyễn Tuệ Nhi, 3 tuổi, ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu được mẹ đưa đến khám tại một phòng mạch tư trên đường Lê Lợi. Do có quá đông trẻ khám bệnh, nên hai mẹ con phải đợi hơn 30 phút mới đến lượt vào khám. Mẹ bé cho biết, mấy ngày gần đây, bé liên tục bị ho, sốt. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản và kê thuốc về nhà uống. Trước đó, bé cũng thường xuyên bị ho, sổ mũi, nhất là vào lúc nửa đêm về sáng khi thời tiết chuyển lạnh.       

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, thời tiết hanh khô khiến trẻ dễ mắc các bệnh như cúm mùa, viêm họng, viêm amidan, viêm đường hô hấp trên… với những biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi. Ngoài ra, thời tiết hanh khô cũng khiến trẻ dễ bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt là ở trẻ có cơ địa dị ứng với các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi liên tục. Do đó, cha mẹ cần để ý chăm sóc và phòng bệnh sớm cho trẻ.

Theo bác sĩ Thắng, những bệnh hô hấp ở trẻ thông thường do vi rút nên sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc tốt. Chẳng hạn, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu sổ mũi, cần nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ vài lần trong ngày để làm sạch đường mũi, đồng thời giữ ấm cho trẻ. Có thể cho trẻ sử dụng thêm một số thức uống như mật ong chưng tắc, chanh, gừng (với trẻ nhỏ trên 1 tuổi), nước lá húng chanh, lá hẹ… để giúp trẻ dịu cơn ho, làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, với một số trẻ có sức đề kháng yếu, trẻ suy dinh dưỡng rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Biểu hiện của bội nhiễm thường là dịch nước mũi chuyển từ màu trắng sang màu vàng, hoặc màu xanh. Lúc này, trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, gia đình không nên tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho con uống, mà phải đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng, để được chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ liều lượng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh không nên tự ý dừng thuốc cho con, hoặc thấy trẻ bớt bệnh mà không đưa trẻ đi tái khám.

Ngoài ra, để trẻ mau hết bệnh, và phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần giữ ấm và có chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, hạn chế cho trẻ nằm máy lạnh. Mỗi buổi sáng, và tối, hoặc lúc cảm thấy trời lạnh, phụ huynh nên cho trẻ uống nước ấm và mang khẩu trang cho bé khi đưa con ra đường. Các bữa ăn chế biến cho trẻ ngoài việc cần bảo đảm an toàn thực phẩm thì cần đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng; đặc biệt tăng đề kháng hô hấp bằng cách bổ sung các nhóm thực phẩm giàu kẽm và vitamin A. Nếu trẻ quá gầy gò so với chiều cao, cân nặng chuẩn, phải đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để tìm nguyên nhân. Hiện đang vào mùa cúm, phụ huynh cũng cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi.

Vào thời điểm này, phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi tiêm ngừa để phòng ngừa một số type vi rút cúm thông thường. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Sau khi tiêm ngừa khoảng hai tuần thì vắc xin có hiệu quả bảo vệ. Vắc xin ngừa cúm được tiêm mỗi năm, thời điểm tiêm tốt nhất là vào khoảng tháng 10 và tháng 11, hoặc trước mùa mưa vào khoảng tháng 3-4.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.