.

Hãy từ bỏ thói quen xấu!

Cập nhật: 07:40, 01/11/2019 (GMT+7)

Thói quen, hiểu một cách đơn giản là những hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống mỗi người. Bên cạnh những thói quen tốt cũng có vô vàn những thói quen xấu mà ở đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Việc nhận thức rõ và xóa bỏ được những thói quen xấu trong cuộc sống mỗi người cũng như toàn xã hội luôn là vấn đề thời sự, là thách thức nặng nề!

Ngồi trong một số quán sá, chợ búa, nơi hành lang vỉa hè đâu đó, ta có thể chối tai khi nghe những lời, những câu nói tục, chửi thề như… Rất khó nghe! Nó như lời cửa miệng của nhiều người, tựa như phải bắt đầu như thế mới có thể dễ dàng nói được những câu tiếp theo! Những phát ngôn tục tĩu, vô văn hóa như vậy gần đây chúng ta lại càng thấy tràn lan trên các trang mạng xã hội, thậm chí xuất hiện cả trong môi trường gia đình, trường học. Nhất là trong những lúc mâu thuẫn, hiềm khích, thói quen chửi tục, nói thề này lại càng được thể hiện một cách đậm đặc.

Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại nhưng nhiều người vẫn còn tồn tại những thói quen mất vệ sinh. Có những nam nữ thanh niên vẫn còn cắn móng tay như trẻ con. Lại có cả những người lớn thản nhiên nhổ nước miếng khi đang đi trên đường hoặc ngay cả trước đám đông. Nhưng có lẽ mất vệ sinh nhất là thói quen vứt rác và phóng uế bừa bãi. Nơi góc tường, bụi cây, vỉa hè, bờ sông hay bất kì một bãi đất trống nào… đều có thể trở thành những bãi rác, nơi vệ sinh. Nhiều người chỉ biết sạch nhà mình còn bẩn nơi đâu thì mặc kệ.

Trong văn hóa họp hiện nay đang tồn tại một thực tế xấu rằng, rất nhiều cuộc họp, hội nghị,… mọi người vẫn có thói quen nói chuyện riêng hay làm bạn với điện thoại. Có người chẳng mấy để ý đến nội dung người chủ trì cuộc họp đang nói gì; cũng chẳng quan tâm, có ý kiến đóng góp gì ngoài việc giơ tay biểu quyết thống nhất đồng ý. Có người lại say mê, thậm chí tự cười một mình khi đọc tin tức hay lướt facebook giữa cuộc họp. Người lại thậm thụt, rả rích bàn tán những chuyện ngoài lề chẳng liên quan đến nội dung cuộc họp.

Đáng lo ngại nhất hiện nay có lẽ vẫn là những thói quen xấu vi phạm pháp luật. Dù đã có luật cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng bán và hút thuốc lá vẫn phổ biến khắp nơi. Dù luật giao thông có tăng mức phạt nhưng trên đường, nơi có đèn tín hiệu vẫn có nhiều người không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, vượt đèn đỏ,… Đó còn là vô số những thói quen xấu khác mà ta không thể kể hết.

Thói quen được hình thành và duy trì lâu ngày sẽ trở thành phẩm chất, tính cách của mỗi người. Và giá trị, vị thế của mỗi người phụ thuộc một phần vào việc bản thân chúng ta rèn luyện, hình thành được nhiều thói quen xấu hay tốt. Việc tồn tại nhiều thói quen xấu không chỉ làm xấu hình ảnh chúng ta trong mắt mọi người mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh, thậm chí là nguy hiểm đến cả tính mạng. Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông,… đang là những vấn nạn nhức nhối hình thành chủ yếu từ những thói quen xấu của con người mà chúng ta đang hàng ngày phải đối mặt. Vấn nạn ấy đã tạo nên những hệ lụy nặng nề cho bản thân người có thói quen xấu, gia đình cũng như toàn xã hội.

Thói quen xấu không sẵn có trong mỗi người mà do chúng ta bị động ảnh hưởng hoặc chủ động tiếp thu từ môi trường sống xung quanh. Nhiều thanh thiếu niên học đòi phì phèo hút thuốc như người lớn. Có khi theo tâm lý đám đông, thấy người ta vứt rác được, vượt đèn đỏ được, mình cũng làm theo.  Đôi khi do bị người khác lôi kéo nói chuyện, nhắn tin, ta cũng dễ dàng trở thành người có thói quen xấu ấy trong các cuộc họp. Nếu bản thân mỗi người không thường xuyên ý thức, suy nghĩ về mặt trái, tác hại của những việc mình đang làm thì rất dễ bị các thói quen xấu tiêm nhiễm. Hơn thế nữa, những ai có quan niệm, tư tưởng sống bất cần, buông thả, dễ dãi, thích chứng tỏ mình bằng những cái bất thường đều là con đường cho những thói quen xấu dễ dàng tìm đến, thâm nhập.

Ai đó đã rất chí lý khi cho rằng: Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau sẽ là dây cáp. Việc hình thành nên một thói quen xấu thật dễ nhưng để thay đổi, xóa bỏ nó thật khó. Bởi vậy ngay từ đầu, giáo dục đối với mỗi người trước hết là phải định hướng cho họ tư tưởng, nhận thức đúng đắn; từ đó bản thân mỗi người phải kiên trì học tập, rèn luyện cho mình những thói quen tốt, tránh xa những thói quen xấu. Một xã hội thực sự văn minh, lành mạnh, phát triển phải là xã hội mà mọi người đều không có những thói quen xấu!

THU ĐÌNH

.
.
.