Quan niệm sai lầm về bệnh nhiễm khuẩn Whitmore
Từ đầu năm đến nay, trong cả nước ghi nhận khá nhiều ca bệnh nhiễm khuẩn Whitmore. Bệnh này đang được hiểu lầm là vi khuẩn “ăn thịt người” khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Trên các trang mạng xã hội Fanpage, Youtube, có khá nhiều ý kiến, phản hồi bày tỏ lo lắng, hoang mang trước thông tin về vi khuẩn “ăn thịt người” và cho rằng đó là một căn bệnh lạ. Chia sẻ trên một trang Fanpage, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (phường 5, TP.Vũng Tàu) viết: “Tôi có nghe nhiều thông tin về “vi khuẩn ăn thịt người” có thể “ăn” mất bộ phận cơ thể, và rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc với nước, đất. Tôi còn nghe nói có người sau khi đi tắm biển bị nhiễm vi khuẩn này mà tử vong chỉ trong vòng 2 ngày. Bây giờ có nhiều bệnh “lạ”, chẳng biết phải phòng ngừa ra sao, khiến tôi hoang hoang quá!”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Lê Lợi, cho biết, vi khuẩn “ăn thịt người” được lan truyền trong thời gian qua thực chất là vi khuẩn gây bệnh Whitmore có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn này không phải là bệnh lạ, mà đã xuất hiện cách đây cả trăm năm, do nhà khoa học Whitmore tìm ra và lấy theo tên gọi của nhà khoa học này. Vi khuẩn này không “ăn thịt người” như cách gọi của nhiều người, mà nó gây ra các ổ áp xe, hoại tử khi xâm nhập với cơ thể con người, ở tất cả các bộ phận cơ thể, trừ động mạch. Không chỉ riêng bệnh Whitmore mà những bệnh vi khuẩn khác gây viêm nhiễm các vùng tổ chức của cơ thể đều làm tổn thương và hoại tử các bộ phận cơ thể. Những triệu chứng của bệnh Whitmore cũng có những biểu hiện giống như các bệnh nhiễm trùng khác như vết sưng cơ, áp xe, đồng thời sốt, hoặc đau nhức ở vị trí nào đó trên cơ thể, có thể kèm theo ho, đau ngực. Tuy nhiên bệnh Whitmore tiến triển nhanh hơn, tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%.
Tại Việt Nam, vi khuẩn này được phát hiện trên ca bệnh đầu tiên vào năm 1925 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, bệnh này rất ít thấy xuất hiện, khoảng 5-10 năm mới có vài ca, nên bị lãng quên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh tái xuất hiện nhiều. Riêng tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca bệnh Whitmore và đã có trường hợp tử vong. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh cũng ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh là trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh, bệnh không dễ lây như nhiều người lầm tưởng và cũng không gây ra dịch bệnh. Vi khuẩn Whitmore tồn tại trong đất và nước. Người mắc bệnh thường do tiếp xúc trực tiếp với nước và đất bị nhiễm khuẩn. Bệnh rất hiếm khi lây bệnh từ người sang người. Những người dễ nhiễm vi khuẩn này thường do sức đề kháng yếu hoặc bệnh mạn tính (ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính...) hoặc chân tay, niêm mạc hô hấp bị tổn thương.
“Dù khá nguy hiểm nhưng bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Cách đây hơn 1 năm tại Bệnh viện Lê Lợi đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm khuẩn có những triệu chứng tương tự như vi khuẩn Whitmore. Bệnh nhân này sốt liên tục 7 ngày và trên siêu âm, chụp CT (vi tính cắt lớp) phát hiện có ổ áp xe lách, khi cấy mủ ổ áp xe thì tìm ra con vi khuẩn cùng chủng với Whitmore. Bệnh nhân cũng đã được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Tuy nhiên, thời gian điều trị bệnh này tương đối dài và bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu điều trị của bác sĩ”, bác sĩ Oanh nói.
Để phòng tránh bệnh này cũng khá đơn giản. Những người dân lao động có tiếp xúc trực tiếp với đất và nước thì phải đeo bao tay, đi ủng, nhất là những bệnh nhân đang có bệnh đái tháo đường hoặc là những người bị bệnh mãn tính, tức có cơ địa bị suy giảm miễn dịch, có vết trầy trên da nên hạn chế tối đa tiếp xúc với nguồn đất và nước bị ô nhiễm. Nếu không may nhiễm bẩn cần phải rửa sạch bằng xà bông kháng khuẩn và lau khô. Vi khuẩn Whitmore có thể nhiễm vào hệ hô hấp thông qua việc hít phải khói bụi đất nhiễm khuẩn bay lên. Do đó, nếu phải làm việc trong môi trường khói bụi đất bị ô nhiễm cần phải sử dụng khẩu trang che chắn cẩn thận. Bệnh cũng có thể lây qua đường ăn uống, đặc biệt là những món ăn tái, sống, do đó cần phải tuân thủ ăn chín, uống sôi, chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh.
Bài, ảnh: MINH THIÊN