Đôi điều về sách
Lâu nay, những người sáng tác luôn bị bó buộc bởi quan niệm, sách ế ẩm, không có người mua. Nhà xuất bản e dè khi in. Cũng bởi, người đọc có quá nhiều sự lựa chọn. Thông tin báo mạng tràn lan. Báo mạng vừa có nhiều tin hấp dẫn vừa ngắn gọn khiến họ chú trọng và quan tâm hơn. Thế là sách không có người đọc và người viết cũng ngại ngùng khi cho ra các tác phẩm mà mình đã tâm huyết.
HS Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Châu Đức trong giờ đọc sách ngoài trời. Ảnh: DIỄM QUỲNH |
Chúng ta dễ dàng bắt gặp một nhà văn, nhà thơ có bài in báo Văn nghệ trong và ngoài tỉnh nhiều, nhưng các bài đã in cứ dồn đống trong laptop. Chúng ta cũng dễ bắt gặp những câu than phiền đại loại chán ngán thơ văn. Nhưng chúng ta vẫn còn may mắn là họ, những nhà văn, nhà thơ vẫn cứ viết. Họ viết không chỉ để in. Họ viết bởi tình yêu với văn chương và chữ nghĩa. Cái tình yêu ấy lớn hơn cả một quyết định rời xa con chữ.
Tôi đã bắt gặp những khoảnh khắc khó tả khi một nhà văn, nhà thơ nào đó bên chồng sách đã in từ mấy năm, mấy tháng trước. Cũng bởi, họ đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để cho ra những sản phẩm mang tinh thần ấy. Khoảnh khắc ấy khiến tôi vô cùng xót xa.
Những năm qua, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng đã có những chính sách nhằm thay đổi tình hình. Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam là một trong những hướng mở.
Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một tỉnh giàu tiềm năng du lịch và kinh tế, chính sách ấy đã lan rộng đến mọi tầng lớp xã hội kể cả trường học. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành các quy định về việc tăng cường văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên trong các trường học bằng việc khuyến khích các nhà trường tạo ra các thư viện xanh, thân thiện, gần gũi. Các phong trào quyên góp sách, ủng hộ sách lan rộng trong mỗi gia đình có con em đang độ tuổi đi học.
Mấy năm qua, Thư viện tỉnh cũng đã tạo mọi cơ hội để sách có thể đến được các thư viện ấy. Thư viện tỉnh đã kết hợp với các trường học xây dựng nhiều thư viện trong các trường học.
Đó chính là những bước khởi đầu tốt đẹp cho một hứa hẹn về đầu ra cho các sản phẩm văn hóa tinh thần của người viết trong và ngoài tỉnh.
Tôi luôn tâm đắc về một con đường sách được mở tại trung tâm Thành phố Vũng Tàu vào mùa xuân 2018. Ở đó tất cả những người yêu sách có thể đến để tìm được những cuốn sách mà mình thích. Dịp Rằm tháng Giêng, cũng ở nơi ấy đã diễn ra những buổi ngâm thơ, giới thiệu sách thơ và quảng bá các đầu sách (không chỉ thơ) của các nhà thơ, nhà văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến công chúng.
Tôi cũng tâm đắc về một thế hệ những người trẻ tuổi, lớn tuổi và các em học sinh luôn yêu sách sẽ ra đời.
Tuy nhiên, một chính sách từ các cấp. Một thư viện xanh trong trường học. Một con đường sách chưa đủ để thu hút người đọc đến với sách. Các nhà xuất bản cũng như những người viết vẫn cứ loay hoay trong việc ấn hành và lưu trữ. Vậy nên tôi luôn nhấn mạnh về vấn đề cốt lõi: Làm sao để sách đến được với bạn đọc? Bởi tôi biết, người ham đọc sách, yêu sách hiện tại trong xã hội vẫn rất nhiều. Và tôi khẳng định, việc quảng bá và giới thiệu sách là rất quan trọng.
Kết bạn với nhà văn Văn Thành Lê trên facebook, tôi luôn nhận được những tin hoạt động của Nhà xuất bản Kim Đồng nơi anh đang công tác. Đối tượng mà nhà xuất bản này nhắm tới là trường học. Trong những buổi giới thiệu ấy, anh được học sinh đặt câu hỏi. Anh còn tư vấn về sách. Tầm hiểu biết của một nhà văn tên tuổi giúp anh làm tròn trách nhiệm của một nhà giới thiệu sách chuyên nghiệp.
Tôi lại nghĩ đến việc phát hành và xuất bản sách của những người viết. Đối tượng mà họ nhắm đến không chỉ là những người bạn, người anh em mà là một cộng đồng xã hội. Những người lao động trí thức trong các cơ quan nhà nước, những người nghỉ hưu, những người trẻ tuổi… Vậy nên việc tổ chức những buổi giới thiệu sách là luôn cần thiết. Một buổi giới thiệu sách ở bất kỳ địa điểm nào đó với đủ các thành phần xã hội luôn tạo ra được sự ấm cúng và mới mẻ. Một người không quen tỏ ra ngạc nhiên và sau đó dò hỏi xem tác giả vừa mới lên ấy có phải là nhà văn không và nhà văn ấy vừa nói về quyển sách gì? Sau đó người ấy hỏi địa chỉ có sách. Đó thật sự là một tin vui cho bất kỳ ai là tác giả của sách.
Tôi đã từng giới thiệu sách của mình ở trường học. Các thầy cô giáo và các em rất thích nghe giới thiệu. Những cánh tay giơ lên khi đặt câu hỏi khiến tôi rất hứng khởi. Tuy nhiên, từ việc yêu sách đến việc có sách để đọc và có thời gian đọc lại là một chuyện khác.
Có cô giáo hỏi tôi về kinh phí khi in sách, sau đó thở dài: nói các nhà văn, nhà thơ nghèo là đúng! Rồi thông tin tìm hiểu từ giới chuyên môn, mỗi người dân Việt Nam đọc chưa đến một cuốn sách trên một năm. Điều đó khiến tôi hơi chạnh lòng. Tuy nhiên theo tôi, chuyện đó không hề ảnh hưởng đến việc sáng tác của các nhà văn, nhà thơ bởi thơ, văn chính là máu thịt.
Sách là văn hóa tinh thần. Sách là hiện thân của một xã hội. Và sách cũng chính là món quà vô giá mà xã hội đã ban tặng cho chúng ta. Một người viết khi ra được một sản phẩm sách đã phải lao tâm khổ tứ suốt mấy năm, mấy tháng thì hà cớ gì chúng ta lại không bỏ một chút kinh phí, một chút thời gian ra để đọc? Câu hỏi này tôi xin dành tặng lại cho các ngành chức năng và tất cả những người đã và đang đọc bài viết này!
CHÂU HOÀI THANH