.

Lương y của bệnh nhân nghèo

Cập nhật: 07:25, 27/09/2019 (GMT+7)

Ở Hưng Thắng Tự (Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu) có một vị lương y nổi tiếng với vườn thuốc và những bài thuốc nam gia truyền, chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đó là lương y Lê Thanh Tốt, Chi hội trưởng Hội Đông y liên phường 4-5, TP. Vũng Tàu.

Lương y Lê Thanh Tốt trong vườn thuốc nam của chùa Tịnh độ Hưng Thắng Tự.
Lương y Lê Thanh Tốt trong vườn thuốc nam của chùa Tịnh độ Hưng Thắng Tự.

 CẢ ĐỜI LÀM THUỐC

Lương y Lê Thanh Tốt đang quản lý và chăm sóc vườn thuốc nam của Tịnh độ Hưng Thắng Tự. Vườn thuốc rộng hơn 6ha, tọa lạc trên sườn Núi Lớn với 200 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài quý hiếm như xạ đen, xáo tam phân, bách hoa xà thiệt thảo… Tự tay bà chọn lọc, thu thập từng cây giống để duy trì và phát triển vườn thuốc. Năm nay bà 68 tuổi, sức khỏe giảm sút, việc đi lại khó khăn nhưng khi được hỏi đến cây thuốc, bà hăm hở dẫn chúng tôi đi men theo con đường dốc núi để ra vườn. Mỗi cây thuốc, bà đều nhớ rõ tên gọi và công dụng dược liệu của chúng. Khi đến mùa thu hoạch thuốc, bà vận động phật tử lên núi hỗ trợ thu hái, sấy khô, sơ chế thuốc. Số thuốc này bà cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Bà Tốt cho biết, năm 4 tuổi, bà đã lên Tịnh độ Hưng Thắng Tự học làm thuốc cho đến nay. Do đó có thể nói cả cuộc đời bà đã dành trọn cho nghề thuốc, tận tâm cứu chữa người nghèo. Thời còn trẻ, bà đi khắp các tỉnh, thành từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ để truyền nghề thuốc, sưu tầm cây thuốc nam và đem những bài thuốc gia truyền chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Khi tuổi cao, sức yếu, bà chuyên tâm với công việc trồng, bào chế dược liệu từ cây thuốc nam và chữa bệnh giúp người nghèo.

Hiện nay, bà vẫn duy trì phòng khám nhưng công việc chủ yếu là làm thuốc. Bởi theo bà chia sẻ: “Bây giờ đã có nhiều phòng khám từ thiện. Phòng khám của tôi ở trên núi, bệnh nhân phải đi lại khó khăn nên tôi tư vấn cho họ tìm đến nơi thuận lợi hơn để khám và bốc thuốc. Về phần mình, tôi chuyên tâm làm thuốc nam để cung cấp cho các phòng khám từ thiện”.

HẾT LÒNG VÌ BỆNH NHÂN

Tuy nhiên, có những chứng bệnh nan y, bệnh nhân vẫn tìm đến phòng khám Phước Thiện Hưng Thắng Tự (112, Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) do bà phụ trách để được chẩn mạch và bốc thuốc. Bà mở sổ ghi chép cho chúng tôi xem về những bệnh nhân ung thư đã thoát khỏi cửa tử. Đó là anh K., 40 tuổi ở phường 12, TP. Vũng Tàu, bị ung thư phổi, có hoàn cảnh khó khăn. Tài sản trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi để lấy tiền chi trả cho những lần điều trị bằng hóa trị, xạ trị tại bệnh viện. Khi trong nhà không còn tiền và vật dụng gì đáng kể để bán, anh K. đành phải từ bỏ điều trị, về nhà nằm chờ chết. Lúc ấy, được một người bà con giới thiệu, nghĩ “còn nước, còn tát”, người nhà gắng đưa anh lên núi tìm bà nhờ chữa trị. Sau 3 tháng điều trị bằng thuốc nam, kết hợp những lời tư vấn, trấn an tinh thần, giúp bệnh nhân lấy lại niềm tin yêu cuộc sống, anh đã dần hồi phục. Dù căn bệnh ung thư chưa khỏi hoàn toàn, nhưng anh đã có thể sinh hoạt và đi làm trở lại.

Trường hợp thứ hai là chị N., 45 tuổi, ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu bị ung thư tuyến tụy. Thể trạng chị sa sút đến mức không thể chịu được những đợt hóa trị, xạ trị điều trị ung thư nên bệnh viện đã trả về nhà. Trong một lần lên chùa, người nhà của bệnh nhân biết đến lương y Lê Thanh Tốt và đến nhờ bà chữa trị cho người thân của mình. “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, lương y Tốt dốc sức tìm những thang thuốc điều trị ung thư tốt nhất để cứu chữa cho bệnh nhân. Kết quả, sau khi uống 60 thang thuốc của bà, bệnh nhân đã dần dần phục hồi sức khỏe, không còn nằm liệt giường mà đã có thể đi lại, tự lo sinh hoạt cá nhân.

Câu chuyện với vị lương y trọn đời gắn với nghề thuốc nam và cứu chữa bệnh nhân nghèo chưa kết thúc nhưng mặt trời đã xuống núi. Bà bày tỏ trước khi chia tay chúng tôi: “Tôi chỉ mong sao nghề làm thuốc được con cháu tiếp tục duy trì, phát triển, không bị thất truyền, để có thể giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân nghèo”.

Nhận xét về lương y Lê Thanh Tốt, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu nói: “Lương y Lê Thanh Tốt luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Đông y và là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của y học cổ truyền trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, duy trì và bảo tồn cây thuốc nam”. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN 

.
.
.