Ẩn họa khó lường
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh và cả nước xảy ra nhiều vụ án làm mất an ninh trật tự, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng người khác do người nghiện ma túy bị ảo giác (ngáo đá), người bệnh tâm thần gây ra. Thực trạng này đặt ra trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy, bị bệnh tâm thần.
NHỮNG VỤ VIỆC ĐAU LÒNG
Sử dụng ma túy rồi rơi vào trạng thái ảo giác và gây ra cái chết cho người thân, đó là trường hợp của Nguyễn Thiên Ân (SN 1992, ngụ ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc). Sáng ngày 10/8, Ân sử dụng ma túy đá tại nhà của mình. Đến 22 giờ cùng ngày, Ân tiếp tục sử dụng ma túy rồi vào phòng riêng xem phim trên mạng. Khi ngừng xem phim, đi ra phòng khách uống nước thì Ân gặp mẹ là bà Nguyễn Thị G. Trong lúc còn phê ma túy đang bị ảo giác, Ân nhìn mẹ nhưng lại hoang tưởng rằng đây là chiếc áo đang bay giữa nhà, nên chạy vào phòng tìm gậy sắt đánh chiếc áo, nhưng thực tế là trúng vào vùng đầu bà G. khiến nạn nhân ngã xuống sàn nhà. Sau đó, Ân nghiêng chiếc xe máy rồi mở bình xăng dùng bật lửa đốt chết nạn nhân. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Ân để điều tra về hành vi giết người, gây ra cái chết cho mẹ ruột của mình.
Đối tượng Huỳnh Văn Chủng nghi bị tâm thần điều khiển xe bán tải biển số 51C-95229 cố tình gây tai nạn cho Đại úy CSGT Chu Quang Sáng. |
Tháng 4/2019, vụ chống người thi hành công vụ trên Quốc lộ 51 do một người nghi là bệnh tâm thần gây ra, dẫn đến thiệt mạng một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an tỉnh. Sáng ngày 17/4, xe ô tô bán tải biển số 51C-95229 do ông Huỳnh Văn Chủng (SN 1976, trú tại TP. Hồ Chí Minh) điều khiển theo hướng từ huyện Long Thành (Đồng Nai) về TX.Phú Mỹ. Lúc này, Đội tuần tra PC 08-Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 51, phát hiện xe biển số 51C-95229 chạy quá tốc độ nên ra hiệu dừng xe, nhưng chiếc xe này tăng tốc bỏ chạy. Cùng lúc đó, một người đi đường đến báo lực lượng CSGT xe biển số 51C-95229 vừa gây tai nạn ở Long Thành và tài xế tấn công người đi đường. Ngay lập tức, Đại úy Chu Quang Sáng và Hạ sĩ Lê Văn Toàn dùng xe chuyên dụng đuổi theo. Trong khi bị truy đuổi, ông Chủng đã ép xe lực lượng làm nhiệm vụ ngã xuống đường, khiến Đại úy Chu Quang Sáng hy sinh (đã được truy phong Thiếu tá), Hạ sĩ Lê Văn Toàn bị thương.
Trong quá trình làm việc tại cơ quan Công an, đối tượng Chủng ngồi nói huyên thuyên một mình. Gia đình ông Chủng cho biết, đối tượng bị bệnh thần kinh dạng hưng cảm từ năm 2005 (có sổ theo dõi điều trị ngoại trú của Bệnh viện Tâm thần TP.Hồ Chí Minh). Nhưng sáng ngày 17/4, ông Chủng đã điều khiển xe gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, ông Huỳnh Văn Chủng đang được điều trị bệnh tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai).
Đối tượng Nguyễn Thiên Ân và hiện trường vụ án giết mẹ do “ngáo đá”. |
TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 5 ngàn người bị bệnh tâm thần nặng (530 người đang được điều trị tại Trung tâm xã hội của Sở LĐ-TB-XH, 210 người đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, 4.260 người đang sống tại cộng đồng). Toàn tỉnh có 2.957 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó có 2.016 người đang ở ngoài cộng đồng. Đây là những đối tượng cần được gia đình, cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội quan tâm giúp đỡ, quản lý chặt chẽ và hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần, cai nghiện ma túy.
Theo Bác sĩ Bảo Bái – Chuyên khoa thần kinh (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh), bệnh tâm thần sẽ gây nguy hiểm ở giai đoạn cấp tính. Lúc này, bệnh nhân không kiểm soát được chính mình, họ có những ảo giác mạnh mẽ, không thể ý thức được hành động và có những hành vi hung bạo, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình và người khác. “Các gia đình có người bệnh tâm thần cần chú ý các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với nhân viên trạm y tế cấp xã để xử lý kịp thời người mắc bệnh tâm thần tái phát cấp tính. Trường hợp bệnh diễn biến bất thường, lên cơn nặng, phải đưa ngay vào cơ sở điều trị tâm thần để bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng xã hội và điều trị ổn định cho người bệnh”, Bác sĩ Bảo Bái khuyến cáo.
Luật sư Vũ Anh Thao, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT cho biết, theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP, việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trong trường người bệnh tâm thần chưa có hành vi phạm tội, thì gia đình có trách nhiệm đưa người bệnh đi khám, điều trị bệnh. “Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Vì vậy, tiềm ẩn hiểm họa do người bệnh tâm thần gây ra khi việc quản lý tại nhà của gia đình đối với người bệnh không bảo đảm chặt chẽ”, Luật sư Vũ Anh Thao băn khoăn.
Nhằm tăng cường quản lý, phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội; đối tượng sử dụng ma túy bị ảo giác, loạn thần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, UBND tỉnh đã có Văn bản số 114/UBND- ngày 19/8/2019, yêu cầu: Các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh làm tốt công tác quản lý, chữa trị đối với người mắc bệnh tâm thần, đối tượng nghiện ma túy tại các cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, kịp thời phát hiện, tố giác những trường hợp sử dụng ma túy nhất là đối với các lái xe khách, xe ta xi, xe buýt, xe tải. Kiểm tra chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình thủ tục cấp giấy phép lái xe, tránh trường hợp người bị bệnh tâm thần sử dụng giấy khám sức khỏe giả để đi học lái xe hoặc đề nghị cấp, đổi giấy phép lái xe.
ÔNG PHẠM ĐÌNH CÚC, VIỆN TRƯỞNG VKSND TỈNH:
Người nghiện ma túy gây án không được miễn trách nhiệm hình sự
Điều 21 Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH 2017) quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Nhưng đối với người nghiện ma túy, do họ tự đưa mình vào trạng thái ảo giác, kích động sau khi sử dụng ma túy và thực hiện hành vi phạm tội, nên không được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
|
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các huyện, thành phố, thị xã phải tổ chức tuyên truyền, nhắc nhỡ gia đình, người chăm sóc chữa trị cho người bệnh tâm thần đặc biệt quan tâm quản lý, trông nom người bệnh; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn người bệnh có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Tiến hành rà soát, lên danh sách số đối tượng mắc bệnh tâm thần, số đối tượng có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, số đối tượng nghiện ma túy nặng (có nguy cơ gây án cao do ảo giác khi sử dụng ma túy) hiện đang sinh sống trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, có biện pháp quản lý, động viên gia đình đưa người bệnh tâm thần vào cơ sở y tế điều trị bệnh, đưa người sử dụng ma túy đi cai nghiện. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện phòng ngừa, tố giác các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với cộng đồng xã hội.
Bài, ảnh: GIA BẢO - SƠN KHÊ