Cung, cầu chưa cùng một hướng
Trong khi nhiều DN đỏ mắt tìm lao động thì nhiều lao động nông thôn lại không có việc làm. Kết nối cung-cầu lao động thật sự đang cần đến những giải pháp đồng bộ từ liên kết nhu cầu của DN trong đào tạo, trợ giúp tiếp cận việc làm, định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Cần vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm… nhằm mang lại hiệu quả trong đào tạo nghề cũng như cung cấp việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Chị Võ Hồng Lâm Thu Yến, KP Hòa Hiệp, TT. Trấn Đất Đỏ tự tạo việc làm với nghề may gia công tại nhà. |
VIỆC KHÔNG THIẾU
Bà Bùi Thị Mạnh Nhân, công chức văn hóa xã hội, UBND xã Quảng Thành, huyện Châu Đức cho biết, trước đây, phần lớn người dân trên địa bàn xã sống bằng nghề trồng tiêu, điều, cà phê và chăn nuôi. Vài năm gần đây, giá nông sản bấp bênh và dịch bệnh bùng phát… đã ảnh hưởng lớn đến công việc và thu nhập của bà con. Vì vậy, nhiều người đã chủ động chuyển đổi nghề nghiệp, xin vào làm công nhân tại các DN trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận. Theo thống kê, toàn xã có 6.442 người có việc làm/hơn 8.000 người trong độ tuổi lao động. “Với những lao động chuyên làm nông nghiệp còn lại, khi hết mùa vụ họ rơi vào tình trạng nhàn rỗi. Để có thu nhập, nhiều người tìm kiếm việc làm khác, nhưng cũng chỉ là công việc tạm thời. Do vậy, tình trạng thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định vẫn tồn tại nhiều năm qua ở địa phương”, bà Nhân cho hay.
Tình trạng “việc tìm người, người tìm việc” đang là thực tế chung ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thực tế, tại nhiều địa phương, việc làm không thiếu nhưng người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc. Do không đáp ứng được yêu cầu của DN nên nhiều lao động rơi vào cảnh không có việc làm hoặc chấp nhận công việc tạm thời, bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc cho biết, nhiều lao động trên địa bàn huyện từng tham gia học và gắn bó với nghề may gia công. Ban đầu công việc này đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi nguồn hàng không ổn định và yêu cầu mẫu mã ngày càng cao, nhiều lao động đã nghỉ và tìm việc khác.
Còn ông Lê Ngọc Quyết (Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức) khẳng định, lao động nông thôn không thiếu việc làm, nhưng vấn đề ở nhận thức của người dân và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của lao động. Có nhiều việc cần nhân lực tay nghề cao thì lao động địa phương không đáp ứng được. Ông Quyết cho hay: “Hiện nay, nhu cầu lao động của các DN ở địa phương rất lớn. Có những đơn vị chấp nhận tuyển lao động làm việc ngày nào trả công ngày đó với mức 350 ngàn đồng/ngày trở lên. Thậm chí, một số DN chấp nhận tuyển lao động trên 50 tuổi nhưng vẫn không tuyển đủ lao động mong muốn. Nguyên nhân là tay nghề của người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém”.
Lao động trên địa bàn TX.Phú Mỹ tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 3 năm 2019. Ảnh: TUYẾT MAI |
PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ
Thực tế trên cho thấy, khâu quan trọng nhất trong tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn nhưng chưa phát huy hiệu quả rõ rệt là đào tạo nghề. Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, địa phương có hơn 3.000 lao động chưa có việc làm. Dù huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, nhưng người dân vẫn không mặn mà để tìm công việc ổn định, nhất là đối với người dân tộc Châu Ro. Điều này không chỉ khiến cuộc sống bà con gặp khó khăn mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác trong xã hội. “Làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp nông dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê nhu cầu học nghề và việc làm của người dân để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, ông Bản chia sẻ.
Theo chúng tôi, ngành LĐTBXH và các địa phương cần vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm… nhằm đạt hiệu quả trong đào tạo nghề, cũng như cung cấp việc làm cho lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Trưởng Phòng Đào tạo nghề (Sở LĐTBXH) cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là hết sức cần thiết nhằm tạo việc làm ổn định cho lao động khu vực nông thôn. Công tác đào tạo nghề cần được triển khai mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, nghề cụ thể ở từng địa phương hơn. Đối với các nghề nông nghiệp, cần tính toán để việc dạy nghề phải gắn với yêu cầu thâm canh, tăng vụ và đa dạng hóa sản phẩm. Hình thức dạy cần tập huấn kỹ thuật khuyến nông vào mùa vụ, giúp học viên có điều kiện thực hành tốt nhất. “Riêng đối với dạy chuyển đổi nghề, các địa phương cần tập trung tính toán sao cho đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như gắn với nhu cầu thực tế địa bàn. Một số nghề phi nông nghiệp cần được đào tạo trực tiếp tại DN để người lao động thành thạo tay nghề, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Công tác dạy nghề phải giúp nông dân tạo việc làm, hạn chế tình trạng người lao động sau khi học nghề phải tự tạo việc làm”, ông Việt chia sẻ.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN