.

Cho vô viện bảo tàng

Cập nhật: 19:07, 08/09/2019 (GMT+7)

- Chào ông, từ ngày mai tui vắng mặt tại quán chị Ba một thời gian. Ông chịu khó đi uống cà phê một mình vậy nhé! 

- Ông đi du lịch nước ngoài hả?

- Không phải đi du lịch mà là tới một số địa phương trong nước, nơi có những công trình trường học, chợ búa, thư viện, ký túc xá… được xây dựng với trăm tỷ, ngàn tỷ đồng nhưng bị… bỏ hoang. 

- Ông tới những công trình tai tiếng ấy để làm gì?

- Sưu tầm hiện vật. 

- Hiện vật gì ở những nơi đó?

- Tui tính tới những công trình đó cạy mỗi nơi một ít mẫu vật như tấm ngói, viên gạch, cái bản lề vv… xong ghi vào đó tên của công trình, chủ đầu tư, trị giá công trình, ngày xây dựng, ngày… bỏ hoang. 

- Hừm, tự dưng đi làm chuyện tào lao. 

- Không vô bổ đâu. Có ý nghĩa lắm nha. Sau khi sưu tầm xong, tui kiến nghị đưa những hiện vật này vào một nơi cho mọi người chiêm ngưỡng. Đó là… Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất Việt Nam, tổng kinh phí đầu tư áng chừng hơn 11 ngàn tỷ đồng. 

- Những hiện vật ông nói là hệ quả của sự đầu tư lãng phí, đưa vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia để làm gì?

- Nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia bảo tàng đang lo lắng tới đây khi siêu bảo tàng đó được xây xong thì không biết lấy gì đưa vào trưng bày, sợ lại như Viện Bảo tàng Hà Nội xây hoàng tráng nhưng lại… rỗng ruột, không có khách vào thăm. 

- He he, hiểu ý ông rồi! Đưa các hiện vật lãng phí tiêu biểu vào trưng bày trong đó một thời gian, khi nào bảo tàng “đầy ruột” sẽ dời đi, đúng không?!

SÁU BẾN ĐÌNH 

 
.
.
.