Nhân rộng mô hình bán trú nông thôn
Những năm qua, nhiều trường học tại các địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình bán trú cho HS. Với mô hình này, các em HS ở vùng nông thôn đã có điều kiện tốt hơn để học tập, sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Giờ ăn trưa của các em HS Trường TH Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). |
Trường TH Phước Bửu là một trong những điểm sáng của ngành giáo dục huyện Xuyên Mộc về công tác bán trú. Năm học 2019-2020, Trường TH Phước Bửu tiếp tục tổ chức bán trú cho 530/1.023 HS. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho HS về mọi mặt. Để tổ chức tốt các lớp học bán trú, Ban Giám hiệu phối hợp với Hội Phụ huynh HS theo dõi việc lên thực đơn, bữa ăn của HS trong tuần, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với khẩu vị của HS.
Qua gần 10 năm tổ chức thực hiện, hiệu quả công tác bán trú tại Trường TH Phước Bửu đem lại kết quả đáng phấn khởi, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con em bán trú tăng hàng năm. Sức khoẻ của các em được đảm bảo, có được giấc ngủ sâu vào buổi trưa giúp các em vào học buổi chiều đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, các em đã biết tự phục vụ trong việc ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, biết hợp tác giúp nhau và có được những kỹ năng sống cần thiết… Tất cả những điều này đã giúp cho phụ huynh yên tâm, dành nhiều thời gian hơn để lo kinh tế gia đình.
Chị Võ Thục Đoan (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) hiện làm kế toán cho một đại lý Honda trên địa bàn TT.Phước Bửu, do công việc bận bịu cả ngày, không có thời gian đưa đón, nên chị Đoan đã đăng ký bán trú cho 2 con tại Trường TH Phước Bửu. “Tôi rất yên tâm khi gửi con bán trú ở đây, vì các cô dạy dỗ rất tận tình, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nơi ngủ trưa cho mấy cháu rất tốt”, chị Đoan nói.
Theo cô Huỳnh Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường TH Phước Bửu, nhà trường đã phối hợp với Hội Phụ huynh thống nhất bữa ăn trưa đủ chất dinh dưỡng gồm các món mặn, canh, rau xào và trái cây tráng miệng. Ngoài ra, các em còn được ăn bữa phụ như sinh tố, chè, rau câu hoặc uống sữa. Nhà trường thành lập Ban Giám sát công tác bán trú do Hội Phụ huynh đảm nhiệm, có thể kiểm tra, giám sát từng bữa ăn của HS khi có yêu cầu.
Được xây dựng khang trang, Trường TH Phan Chu Trinh (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) hiện có 40/236 HS đăng ký bán trú, chủ yếu là con công nhân cao su. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lộc, do điều kiện kinh tế vùng nông thôn, nên bữa ăn trưa của các em là 16.000 đồng/suất. Nhà trường chỉ phụ thu thêm 6.500 đồng/HS/tháng để hỗ trợ nhân viên phục vụ bữa ăn và nơi nghỉ trưa cho HS. Tuy ít tiền nhưng các món ăn đa dạng và chất lượng dinh dưỡng vẫn đảm bảo.
Để phụ huynh yên tâm gửi con học bán trú, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức cho nhân viên nấu ăn tham gia các khóa nghiệp vụ về VSATTP. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học, các trường đã ký kết hợp đồng trách nhiệm với cơ sở đáng tin cậy cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhà bếp; yêu cầu nhà bếp ký cam kết tuyệt đối không dùng các loại phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất ngọt tổng hợp vào chế biến nấu nướng, thức ăn mua tươi sống hàng ngày, nấu ăn theo đúng thực đơn, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng MN-TH (Sở GD-ĐT) cho biết, hệ thống cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh đều được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của các em. Hiện toàn tỉnh có 65/139 trường TH tổ chức bán trú, cao nhất là huyện Xuyên Mộc với 14/27 trường TH thực hiện bán trú. Riêng với bậc MN, toàn tỉnh có 180 trường MN công lập tổ chức bán trú (đạt 100%).
Có thể thấy, mô hình trường học bán trú đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm từ việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ đến tổ chức hoạt động tại các nhà trường. Chính từ sự quan tâm đó cùng với sự nỗ lực của các trường học, mô hình bán trú đã từng bước trở thành điểm sáng trong hoạt động giáo dục ở các vùng nông thôn.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG