.

Ám ảnh… "loa kẹo kéo"!

Cập nhật: 06:06, 13/09/2019 (GMT+7)

Giờ thì cái thuật ngữ “loa kẹo kéo” đã trở nên quá quen thuộc, phổ biến từ quê chí phố. Có lễ lạt tiệc tùng hay thậm chí chỉ là đám nhậu lai rai, những chiếc loa “n trong 1” ấy lại được chủ nhân thuê đến giúp vui cho “nhậu khách”. Sao lại gọi là “n trong 1”? Xin thưa: bởi nó như một dàn âm thanh karaoke đầy đủ được tích hợp tất tần tật trong 2 - hoặc thậm chí chỉ 1 – thùng loa bự chảng được chở gọn hơ trên chiếc rơ-moóc gắn sau đuôi xe máy; hẻm nhỏ ngõ nhỏ cỡ nào cũng chui vô lọt. Mà nếu không chui lọt thì cứ… đặt luôn ngoài đường, chỉ cần sợi dây có ổ cắm kéo điện từ nhà ra là xong. Micro, màn hình thời hiện đại đều xài kết nối không dây, không vấn đề gì. Thời “karaoke mạng” phát triển, vùng sâu vùng xa cỡ nào chỉ cần có điện là “loa kẹo kéo” có đất dụng võ - không chỉ thay karaoke mà còn (gần như) thay luôn được cho nhạc sống! Chính vậy nên, mới du nhập Việt Nam đâu chưa được mười năm, “loa kẹo kéo” đã gần như lấn lướt phong trào nhạc sống bình dân vốn trước đó còn hưng thịnh! Tiện lợi, giá thuê rẻ, chất lượng âm thanh không tệ. Quan trọng nhất là không kén “ca sĩ” bởi hát hay dở, trúng trật kiểu nào “dàn nhạc máy” cũng cứ cho qua mà chơi… 

Giá sự việc chỉ dừng ở mức độ giải trí vui chơi vừa phải hợp lí thì không có gì đáng nói. Đàng này, trò giải trí từ những chiếc “loa kẹo kéo” kia đang có xu hướng ngày càng “lạm phát” - đặc biệt nơi các vùng quê, thị trấn nhỏ xa trung tâm. Chuyện vi phạm giờ giấc đã có chế tài từ phía chính quyền địa phương nên thôi tạm cho qua. Tai ương ở chỗ những chiếc “loa kẹo kéo” thế hệ càng về sau càng được nâng công suất! Gây ồn ào, khó chịu vô cùng. 

Vậy nhưng, cái “ớn” nhất lại thuộc về một phạm trù nói ra hơi... tế nhị; ấy chính là văn hóa ứng xử của những người đang chơi “loa kẹo kéo”. Cũng âm thanh ấy; nhưng người hát hay, hát đàng hoàng chuẩn mực sẽ không mấy “làm khổ” thính giả (chưa kể có người hâm mộ nghe còn thích thú). Trái lại, một người hát dở, hát sai (đôi lúc còn kèm thêm chiêu trò hú hét, quậy phá do có hơi men) mà lại được dàn âm thanh “khủng” nhân lên thì – với người nghe - đích thực là “đòn tra tấn”! Ngày trước, kiểu ứng xử “không tự biết mình” ấy trên sân chơi nhạc sống sẽ ít nhiều bị kềm chế bởi phản ứng của các nhạc công trong dàn nhạc. Đành rằng không ai cấm thư giãn vui chơi, hưởng cái thú hát hò khi trời sinh anh không có giọng hát hay; nhưng cứ ngang nhiên đem cái không hay của mình ra “tra tấn” cộng đồng không chút áy náy lương tâm thì chuyện không hay đã biến thành thậm dở…

Vui chơi giải trí là nhu cầu chính đáng của mọi công dân. Vậy nhưng vui chơi vô tổ chức, thiếu ý thức gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng là chuyện rất không nên. Mong sao các cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu để điều chỉnh loại hình hoạt động “loa kẹo kéo”. Mong sao những người vui chơi nâng cao ý thức để hành xử cho đúng mực, tránh gây phản cảm, bức xúc trong cộng đồng!

Y NGUYÊN

 
.
.
.