.

"Tay hòm chìa khóa" nên trao ai?

Cập nhật: 05:56, 13/09/2019 (GMT+7)

“Tiền không phải là tất cả”, rất nhiều người đã tự tin nói như vậy khi đề cập đến tiền bạc. Vậy nhưng, ở nhiều gia đình “cơm không lành, canh chẳng ngọt” lại xuất phát từ tiền bạc. Không có tiền tiêu, cách chi tiêu và cách quản lý tài chính đều có thể trở thành lý do dẫn đến gây gổ cãi nhau. 

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Nguyên nhân gây bất hòa

Cuối tuần, Hoa-cô bạn thân của tôi rủ đi uống cà phê, ủ rũ, cô bạn kể, vợ chồng vừa cãi nhau kịch liệt chỉ vì chuyện tiền nong. Mới kết hôn được chưa đầy 3 năm, những khoảnh khắc lãng mạn của cặp vợ chồng trẻ gần như tan biến, không còn chút thi vị nào khi cả vợ lẫn chồng đều chỉ xoay xở với con nhỏ, tiền nong và chi tiêu…

Ngân ngấn nước mắt, Hoa nói, chồng Hoa không chỉ nổi xung khi vợ kể lể về việc chi tiêu quá tốn kém, chưa tới nửa tháng đã hết sạch tiền lương. Không những vậy, anh còn gọi điện, nhắn tin với ý cô là “tay hòm chìa khóa” thì phải biết vun vén, cân nhắc, chi tiêu sao cho đủ, thậm chí phải làm cho cái hòm ấy mỗi ngày một “nở” ra, đầy lên, bởi tiền chồng cô đem về không ít. “Con nhỏ, tiền sữa, tiền ăn, tiền gửi giữ trẻ, tiền khi con ốm đau… đã hết hẳn tháng lương của em. Anh ấy đem về tương đối nhiều, nhưng em còn phải lo cho gia đình anh ấy, khi thì quà đầy tháng cho cháu, quà mừng kỷ niệm ngày cưới của ông bà nội… Rồi tiền ma chay, đám giỗ, sinh nhật… Toàn những khoản “không tên” mà rất tốn kém làm sao anh ấy hiểu được?”, Hoa ấm ức nói. Sáng sớm cuối tuần vừa rồi, chồng Hoa cần gấp số tiền kha khá để cho anh bạn cùng cơ quan vay tạm, khi chồng hỏi tới, Hoa nói không còn đủ, dù chỉ cách 1 tuần trước đó, chồng cô đưa về cho cô cả vài chục triệu đồng tiền thưởng vì hoàn thành trước thời hạn một dự án được giao. Vậy là vợ chồng lại cãi nhau, không còn vui vẻ gì, đỉnh điểm của nỗi ấm ức khi chồng Hoa yêu cầu sẽ quản lý tiền bạc của gia đình thay vì vợ. 

Nói đi thì phải nói lại, Hoa được coi là “thoáng” trong chi tiêu và khá sành điệu. Dù có con nhỏ, khá bận rộn nhưng cô khó lòng bỏ được thói quen từ thời con gái là dạo phố mua sắm. Có khi trong túi chỉ còn dăm triệu đồng, nhưng quá thích một món đồ gì đó thì cô vẫn cố mua cho bằng được, dù từng dặn lòng “đây là lần cuối”. Chồng cô thời gian đầu khá chiều chuộng vợ vì cho rằng, với vai trò người chồng trong gia đình, anh phải lo kinh tế và được đem tiền về cho vợ tiêu là một niềm hạnh phúc đối với anh. Vậy nhưng, như “gió vào nhà trống”, tiền đưa về bao nhiêu cũng “thiếu trước hụt sau”, buộc anh phải xem xét lại vai trò “tay hòm chìa khóa” của vợ. 

Trên thực tế, những trường hợp như gia đình Hoa-bạn tôi không phải hiếm. Công bằng mà nói, bên cạnh số đông những gia đình êm ấm, vợ hoặc chồng cùng quán xuyến và chi tiêu hợp lý thì việc phân định ai là người giữ “tay hòm chìa khóa” vẫn là đề tài luôn “nóng”. Hiện còn có tình trạng mong muốn kiểm soát và quản lý tình hình tài chính thay cho chồng hoặc vợ mình. Bởi tâm lý, nếu không được nắm tiền trong tay, họ sẽ cảm thấy khó chịu và bất an trong lòng, cảm thấy mình không kiểm soát được hành vi, tình cảm của đối phương. Như trường hợp anh Kiên là một ví dụ, anh luôn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” đối với vợ của mình mà không phải do bản tính “keo kiệt”, anh muốn vợ phải lệ thuộc mình hoàn toàn với quan niệm “nắm kinh tế là nắm quyền lãnh đạo trong gia đình”. Vợ anh, không chỉ đơn thuần ở nhà nội trợ, chị còn là nhân viên kế toán một doanh nghiệp có tiếng, thu nhập của chị không thấp, chị cũng là người chỉn chu, biết lo toan, nhưng anh vẫn luôn soi mói, kể cả khi chị muốn mua một bộ quần áo đẹp cũng phải xin phép chồng.

Nắm giữ hạnh phúc bằng sự hiểu biết và tôn trọng

Còn chị Huệ và anh Long thì lại có quan điểm rất thoáng, “tiền ai nấy tiêu, hồn ai nấy giữ” ngay từ lúc mới kết hôn, và họ đã duy trì trong suốt nhiều năm chung sống. Đến mức, khi chị hay anh có khách là bạn bè riêng thì nếu ai mời người ấy tự trả tiền. Các ngày kỷ niệm chung của anh chị cũng ai mời người nấy trả hoặc “cưa đôi”. Các khoản chi tiêu trong gia đình đều được anh chị phân chia rạch ròi. Do đã có thỏa thuận ngay từ thủa ban đầu nên vợ chồng họ có vẻ bình yên với cách quản lý tiền bạc trên, thậm chí vợ vay của chồng hoặc ngược lại thì đều phải trả món nợ vay ấy, công bằng, sòng phẳng, mặc cho người ngoài nhìn vào có vẻ không… ưa mắt, cảm giác lỏng lẻo của một gia đình khi không có ai là “tay hòm chìa khóa” chung cho cả nhà. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù là vợ chồng, chúng ta vẫn phải để lại cho nhau những khoảng không riêng tư nhất định. Vấn đề kinh tế và tài chính cũng tương tự như thế. Nhiều người vợ luôn sợ rằng chồng mình có tiền trong tay sẽ xuất hiện những thói hư tật xấu không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi chúng ta lựa chọn kết hôn là chúng ta đã tin tưởng và tôn trọng yêu thương người đó. Ai cũng là người trưởng thành, có hiểu biết nhất định và có quyền quản lý thu nhập của chính mình. Hãy để họ biết được các chi phí và trách nhiệm trong gia đình, họ sẽ phải tự cân nhắc và đưa ra những quyết định tài chính hợp lý nhất. Trong trường hợp vợ hay chồng “thoáng” hoặc quá tay có thể cùng ngồi lại để góp ý. Việc phân chia ai là “tay hòm chìa khóa” ở thời hiện đại không còn quá câu nệ là vợ hay chồng, người nào có khả năng quản lý tốt thì nên giao người ấy, đó là sự tôn trọng và thể hiện sự bình đẳng trong gia đình. 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Bá Đạt, Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, hôn nhân không thể hạnh phúc nếu xuất hiện sự ép buộc hay quản lý quá chặt chẽ. Nếu đối phương muốn kiểm soát quá nhiều, cho dù là về hoạt động, tâm lý hay tình hình tài chính, điều đó sẽ chỉ đem lại nhiều rắc rối hơn là ích lợi. 

Thay vì để chồng gánh chịu toàn bộ chi phí của gia đình, người vợ cũng nên có nguồn thu nhập nhất định. Trong trường hợp thu nhập của hai bên không cân bằng, người chồng sẽ đưa thêm cho vợ mỗi tháng một số tiền nhất định để giúp đỡ. Tuy là tự quản lý riêng, nhưng giữa hai vợ chồng vẫn phải có sự công khai và minh bạch. Người vợ phải biết thu nhập thực sự của chồng cũng như người chồng phải biết những chi tiêu lớn bé trong nhà, có sự bàn bạc để đi đến thống nhất trong chi tiêu đối với những việc cần thiết. Cả hai bên đều phải có trách nhiệm về kinh tế vì hạnh phúc gia đình không phải việc riêng ai. Ý kiến chuyên gia cho rằng: Tiền bạc có thể là vấn đề gây nhiều căng thẳng, thế nhưng khi bạn biết mình muốn gì, phải làm gì thì gánh nặng này sẽ giảm đi rất nhiều.

LINH TRẦN 

.
.
.