.

Giúp trẻ tránh tai nạn thương tích khi đến trường

Cập nhật: 07:59, 16/08/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra khá nhiều vụ tai nạn thương tích nghiêm trọng ở trẻ nhỏ trong thời gian trẻ đến trường. Do đó, làm thế nào để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ trong môi trường học đường đang được nhiều phụ huynh quan tâm.

Môi trường học đường cần bảo đảm các yếu tố an toàn để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Trong ảnh: Một giờ học tại trường MN Phường 3 (TP.Vũng Tàu) (ảnh minh họa)
Môi trường học đường cần bảo đảm các yếu tố an toàn để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Trong ảnh: Một giờ học tại trường MN Phường 3 (TP.Vũng Tàu) (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 15 tuổi), là độ tuổi hiếu động nhất nên ít nhiều cũng bị một tai nạn nào đó ở ngay chính ngôi trường của mình, bởi phần lớn thời gian của trẻ là ở trường. Khi bị chấn thương, nhẹ thì trẻ chỉ bị trầy xước phần mềm và không để lại dấu vết gì nhưng nặng thì có thể để lại thương tích suốt đời hoặc tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, trẻ nhỏ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do nghịch dây điện, cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, ngã trên sân trường… Các tình huống dẫn đến tai nạn cho trẻ là khó lường hết được, nó xảy ra ngay cả trong lúc trẻ nô đùa và cả lúc các em chơi thể thao. Phần lớn tai nạn thương tích dẫn đến chấn thương chi như trật khớp, gãy tay, chân… Bên cạnh đó, đối với những trẻ nhỏ học mầm non thì các em còn bị hóc dị vật hoặc sặc cháo và thức ăn.

Bác sĩ Nguyễn Phương Nam cho biết, khi tai nạn xảy ra cần phải bình tĩnh và tổ chức sơ cứu ngay. Trường hợp tai nạn gãy tay, chân cần dùng nẹp để cố định xương. Nếu trường hợp bệnh nhân bị tổn thương cột sống ở vùng cổ thì phải giữ bệnh nhân nằm yên, dùng vật cứng như bao cát, bao nước, gối cứng chèn cố định cổ cho nạn nhân và gọi cấp cứu 115; cột sống ở những vùng khác, thì dùng ván hoặc giường bố để di chuyển bệnh nhân đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bệnh nhân bị vết thương hở thì cần phải dùng bông băng sạch cầm máu hoặc hoặc dùng khăn, vải sạch và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị bỏng, cần làm nguội vết thương bằng nước mát sạch giúp giảm nhiệt, tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch hoặc có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, có thể cho nước vòi chảy lên. Khi trẻ bị hóc dị vật hoặc sặc cháo, thức ăn, cha mẹ, người trông trẻ cần phải sơ cứu nhanh bé bị hóc, sặc đúng cách và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế kiểm tra.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng tránh tối thiểu các tai nạn thương tích xảy ra tại trong thời gian trẻ ở trường, các trường cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau: Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; những cây ở sân trường cần có bồn rào để ngăn trẻ không leo trèo; bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay; dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn. Giáo viên hướng dẫn trẻ chơi đúng nơi quy định và yêu cầu trẻ thực hiện theo sự hướng dẫn; giáo dục ý thức cho các em không được xô đẩy, đánh nhau trong trường; không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, kiếm, súng cao su và các hung khí. Giáo viên thường xuyên quản lý, giám sát trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, giáo dục trẻ đoàn kết.

Đối với những vật dụng, thiết bị trong nhà trường gồm: Hệ thống điện trong nhà trường phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao; tuyệt đối không để bàn ủi, đồ đun nấu trong phòng, nhóm lớp của trẻ. Cha mẹ, thầy cô luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch. Thuốc và hóa chất để ngoài tầm tay với của trẻ em; không cho trẻ em tự uống thuốc mà không có sự giám sát, hỗ trợ của người lớn. Giáo viên, người trông trẻ phải luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn. Trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định, phải tuân thủ quy tắc an toàn khi bơi.

Để phòng ngừa tai nạn giao thông, trường phải có cổng, hàng rào. Trong giờ học, giờ chơi phải đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường chơi; phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học; hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông; tuyên truyền phụ huynh không đi xe máy trong sân trường…

MINH THIÊN

 
.
.
.