Đề án "Dạy và học tiếng Anh tại Côn Đảo": Chưa hiệu quả vì sao?
Nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho người dân huyện Côn Đảo, đáp ứng yêu cầu của phát triển và hội nhập, ngày 9/9/2015, UBND tỉnh đã ban hành Đề án "Dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018". Tuy nhiên, việc thực hiện đề án không đạt được các mục tiêu đề ra.
Đề án “Dạy và học Tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018” chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong ảnh: Một lớp học Tiếng Anh theo đề án. Ảnh: MẠNH CƯỜNG |
KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU
Theo lộ trình đặt ra tại đề án này, từ năm 2016-2018, tỉnh mở 96 lớp dạy Tiếng Anh cho 1.920 học viên tại Côn Đảo, trong đó có 640 công chức, viên chức (CCVC), lực lượng vũ trang và 1.280 người dân. Kinh phí thực hiện đề án gần 5,6 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách Nhà nước chi hơn 4,5 tỷ đồng; phần còn lại từ nguồn xã hội hóa do người học đóng góp.
Đề án do Công ty CP Đầu tư giáo dục quốc tế Rồng Việt (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện. Trước khi triển khai, địa phương và đơn vị tổ chức đã tiến hành nhiều biện pháp và hình thức tuyên truyền, vận động đội ngũ CCVC, lực lượng vũ trang và người dân tham gia các lớp học Tiếng Anh. Trong quá trình giảng dạy, công ty đã điều động 5 GV người Việt Nam luân phiên và 1 trợ giảng người nước ngoài ra Côn Đảo để đứng lớp. Ngoài giảng dạy phần căn bản về kỹ năng giao tiếp thông thường, GV cũng thường xuyên cập nhật nội dung liên quan đến Côn Đảo và các phần thực hành để học viên vận dụng phù hợp với thực tế.
Việc dạy Tiếng Anh nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài cho người dân huyện Côn Đảo. Trong ảnh: Nhân viên khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo phục vụ bữa sáng cho khách nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC |
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đánh giá, sau khi hoàn thành nội dung chương trình ở mức độ 1 và 2, học viên đã có vốn từ cần thiết và khả năng vận dụng các cấu trúc câu đơn giản để giao tiếp bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Từ ngày 11/7/2016 đến 31/1/2018, ban tổ chức lớp học chỉ chiêu sinh được 6 đợt và hoàn thành giảng dạy được 26 lớp, với 305 học viên theo học đến cuối khóa, trong đó có 94 CCVC và 211 người dân, riêng lực lượng vũ trang không đăng ký tham gia. Kết thúc các lớp học, ban tổ chức đánh giá có 196/305 học viên đạt yêu cầu. Kinh phí đã sử dụng cho các lớp học này là hơn 1,34 tỷ đồng. “Nếu dùng những số liệu về lớp học, học viên cùng kinh phí đã thực hiện để đánh giá tổng thể thì Đề án “Dạy và học Tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018” chỉ đạt khoảng 30% so với các mục tiêu đã đề ra”, ông Nhựt nói.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Dạy và học Tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018”, ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực để thực hiện đề án. Tuy vậy, quá trình triển khai đề án đã phát sinh nhiều khó khăn ngoài dự kiến. Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai đề án không đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo đề án, mỗi khóa học kéo dài 6 tháng, nhưng công tác chiêu sinh gặp khó khăn do số lượng người học đăng ký rải rác, không tập trung. Mặt khác, ngay cả khi đã đăng ký và tham gia học, một số học viên cũng bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân là do đội ngũ CCVC không thu xếp được thời gian làm việc và thời gian đi học; thường xuyên phải đi công tác trong đất liền hoặc tham gia các lớp học bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Đối với người dân, ý thức học Tiếng Anh chưa cao hoặc bận việc nhà, việc làm ăn nên không theo học tới cùng. Ngoài ra, khi tham gia lớp học, học viên còn phải đóng góp 30% học phí (tương đương gần 800 ngàn đồng/người/khóa) cũng khiến nhiều người ngần ngại. Vì vậy, ban đầu số lượng người đăng ký học nhiều nhưng đến khi khai giảng, thông báo nộp học phí thì số lượng giảm dần. Cụ thể, từ 11/7/2016 đến 31/1/2018, có 735 người đăng ký, nhưng sau đó có tới 464 người không theo học đến cuối khóa. Ngoài ra, việc thu học phí từ người dân cũng rất khó. Tính đến nay, số người tham gia các lớp học phải đóng góp với số tiền 167 triệu đồng, nhưng ban tổ chức mới thu được 67 triệu đồng.
Chị Phạm Đỗ Loan Anh (khu dân cư số 6, huyện Côn Đảo) cho biết, chị có được giới thiệu thông tin về các lớp học Tiếng Anh theo đề án này và được vận động tham gia lớp học. Dù rất muốn trau dồi ngoại ngữ để có khả năng giao tiếp với khách nước ngoài nhưng chị không đăng ký theo học. Chị giải thích: “Tôi làm nghề buôn bán, suốt ngày bận rộn nên không thể thu xếp thời gian đi học”.
Bên cạnh đó, các đơn vị, DN, kinh doanh du lịch còn chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện cho nhân viên trau dồi kỹ năng Tiếng Anh. Trong suốt quá trình triển khai đề án, ngoài thông báo chiêu sinh tập trung, tiểu ban giảng dạy còn gặp gỡ các đơn vị, DN du lịch để vận động cán bộ, nhân viên đăng ký nhưng số DN tạo điều kiện cho nhân viên đến lớp rất ít.
Theo ông Nguyễn Anh Nhựt, việc sắp xếp thời gian phù hợp cho từng đối tượng người học cũng rất khó. Vì vậy, việc phân loại học viên theo trình độ và bố trí vào lớp phù hợp còn bị hạn chế. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giảng dạy. “Đối tượng học có thành phần, trình độ khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực trong cùng một lớp nên việc theo sát từng đối tượng người học cũng bị hạn chế”, ông Nhựt phân tích. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm, bên cạnh tình trạng học viên đến lớp không đầy đủ, trình độ học viên trong cùng một lớp khác nhau nên việc đánh giá chất lượng đầu ra của các lớp Tiếng Anh trong đề án cũng chưa đạt yêu cầu.
Chúng tôi kinh doanh du lịch quy mô nhỏ. Lao động là những người thân trong gia đình và người quen. Những người đã được đào tạo Tiếng Anh sẽ phụ trách các công việc như: nhận đặt phòng của khách qua điện thoại, website, làm thủ tục đón tiếp khách... Còn các lao động phổ thông đảm nhận các khâu dọn phòng, tạp vụ thì không cần phải học Tiếng Anh vì những người này rất ít khi phải giao tiếp với người nước ngoài. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh du lịch bận rộn, chúng tôi không bố trí được thời gian theo học nên không đăng ký tham gia đề án. (Đại diện một khách sạn trên địa bàn huyện Côn Đảo) |
Trước những khó khăn trên, UBND huyện Côn Đảo đề xuất UBND tỉnh dừng triển khai đề án dạy Tiếng Anh cho CCVC, lượng lượng vũ trang và người dân; đồng thời cho phép huyện sử dụng nguồn kinh phí còn lại của đề án chuyển cho đối tượng thụ hưởng là HS các cấp trên địa bàn. “HS Côn Đảo có nhu cầu học thêm Tiếng Anh, trong khi các trường chỉ mới có khả năng dạy theo chương trình chính khóa mà chưa thực hiện được công tác xã hội hóa dạy và học Tiếng Anh như ở trong đất liền”, ông Nhựt lý giải.
Ngày 6/8, tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND huyện Côn Đảo về việc thực hiện đề án này, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đề án đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh. Ông Tuấn đồng ý dừng triển khai đề án và lưu ý, với khoản kinh phí còn dư, Sở GD-ĐT, UBND huyện Côn Đảo cần nghiên cứu kỹ và đưa ra các giải pháp khác thay thế để việc sử dụng nguồn kinh phí đạt hiệu quả.
HỒNG PHƯƠNG