Dựa vào nhau vượt qua nỗi đau khuyết tật
Chị Vương Hoàng Phi Oanh với công việc hằng ngày tại tiệm may Phương Oanh (373, Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa) do chị làm chủ. |
Chúng tôi được giới thiệu đến tiệm may Phương Oanh (373, Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa) do chị Vương Hoàng Phi Oanh làm chủ. Tiệm may khá khang trang, chưng nhiều thiết kế váy, áo rất đẹp. Trong tiệm có những thợ mới, đang học cắt, may với chị Oanh. Nếu không được giới thiệu trước, ít ai ngờ người phụ nữ 51 tuổi với gương mặt tươi tắn, tràn đầy tự tin đó đã từng có quãng thời gian sống khép kín vì tự ti với đôi chân tật nguyền.
Chị Oanh kể, năm lên 7 tuổi, chị bị liệt chân trái trong một cơn sốt. Dù được chạy chữa khắp nơi nhưng chân chị không thể phục hồi. Những năm tháng học phổ thông, chị luôn cảm thấy tủi thân, tự ti và sống khép mình. Việc đi lại khó khăn nên chị sống dựa hoàn toàn vào gia đình. Năm 1990, được sự động viên của cha mẹ, chị đi học nghề may mặc. Sau 4 năm kiên trì học hỏi, chị mở một tiệm may nhỏ và phát triển dần cho đến ngày nay.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngần (quê ở Thái Bình, 30 tuổi, ngụ tại phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) mất một chân trái do tai nạn giao thông khi vừa thi xong kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Lúc đó, cô nữ sinh Nguyễn Thị Ngần vô cùng suy sụp, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng tình yêu thương, sự động viên, giúp đỡ của người thân, chị dần lấy lại tinh thần để tiếp tục theo đuổi mơ ước làm cô giáo. Năm 2011, chị trúng tuyển vào khoa Tiểu học, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội. Không phụ lòng ba mẹ, chị luôn chăm chỉ học tập và tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng rồi, những khó khăn trong việc tìm kiếm công việc dạy trẻ, buộc chị phải gác ước mơ của mình.
Năm 2014, chị gặp anh Nguyễn Tiến Ba và hai người nên duyên vợ chồng. Sau đó, chị theo anh vào TP.Bà Rịa sinh sống và sinh được 2 người con. Để phụ kinh tế cho chồng, chị mở một quán cháo lòng ở đường Trần Phú, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. “Từ lúc mở quán, công việc tuy có vất vả nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Khách hàng đến quán cháo thường xuyên không chỉ vì muốn ủng hộ tôi mà còn vì yêu thích món ăn và sự gọn gàng, sạch sẽ của quán”.
Chị Oanh, chị Ngần hiện đang là thành viên nhóm “Phụ nữ tự lực”. Đây là nhóm gồm những người phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, được thành lập vào tháng 9/2017 của Hội LHPN tỉnh với 25 thành viên. Nhóm tổ chức sinh hoạt 3 tháng/1 lần, nhằm giao lưu, chia sẻ, động viên nhau vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân, hỗ trợ, tư vấn tìm công việc phù hợp để có thêm thu nhập. Chị Phạm Ngọc Bích Trâm, nhà ở 329/2709, Nguyễn Văn Linh, TP.Bà Rịa, thành viên của nhóm chia sẻ: “Kể từ khi tham gia sinh hoạt cùng nhóm, được gặp những người cùng cảnh ngộ, tôi đã tìm được niềm vui trong cuộc sống, dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti về đôi chân tật nguyền của mình”.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, Ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh cho biết, bên cạnh những hoạt động kể trên, nhóm “Phụ nữ tự lực” còn được sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN phối hợp với chính quyền địa phương, sở ban ngành có liên quan cung cấp, tập huấn những kỹ năng, kiến thức về pháp luật, chế độ chính sách dành cho người khuyết tập; thăm hỏi động viên, trao tặng học bổng, tổ chức dạy nghề… Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của nhóm để thêm nhiều phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhận được hỗ trợ.
Bài, ảnh: THI PHONG