.

Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Cập nhật: 19:40, 22/07/2019 (GMT+7)

Thông thường, tháng 7 chưa phải là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng thời điểm này, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, với hơn 3.400 ca, trong đó 3 trường hợp đã tử vong. Dự báo trong thời gian tới, khi vào cao điểm mùa mưa, số ca SXH sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại một hộ dân trên địa bàn phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại một hộ dân trên địa bàn phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu.

SỐT XUẤT HUYẾT TĂNG “NÓNG” 

Ghi nhận cho thấy, SXH không ngừng tăng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương trước đây chỉ có vài ca mắc SXH, nay cũng lên tới hàng trăm ca. Số ca SXH tăng cao nhất là huyện Côn Đảo. Những năm trước, số ca SXH ghi nhận tại huyện này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng năm nay đã lên tới 164 ca, tăng 54,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Huyện Châu Đức cũng có số ca SXH tăng mạnh, với hơn 1.162, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương còn lại có số ca mắc SXH tăng từ hơn 4 đến gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. 

Điểm đáng chú ý, trước đây, người mắc bệnh SXH chủ yếu là trẻ em vì sức đề kháng yếu, thì nay SXH lại “tấn công” người lớn khi từ đầu năm đến nay có hơn 90% ca SXH là người lớn, trong đó 3 trường hợp đã tử vong. Nguyên nhân mắc SXH tăng cao và tử vong tập trung ở người lớn chủ yếu do tâm lý chủ quan, lơ là với dấu hiệu nguy hiểm của bệnh. Chẳng hạn như trường hợp ở TP. Vũng Tàu, bệnh nhân nghĩ mình hết sốt là hết bệnh nên đã không tái khám theo lời dặn của bác sĩ. Gần 1 tuần sau, bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện: nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, rối loạn đông máu… Dù đã được y, bác sĩ Bệnh viện (BV) Lê Lợi cấp cứu và chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi. 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị SXH tại Trung tâm Y tế  huyện Xuyên Mộc.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người mắc SXH tự ý mua thuốc uống, chích thuốc tại nhà, dẫn đến bệnh trở nặng phải nhập viện. Đơn cử, bệnh nhân M.N.T (18 tuổi, ở phường 5, TP. Vũng Tàu), sốt liên tục 2 ngày nhưng gia đình không đưa đi khám sớm mà ra hiệu thuốc tây mua thuốc về uống. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân vẫn sốt cao không hạ, gia đình mới đưa em vào BV Lê Lợi cấp cứu và phải nhập viện điều trị SXH. 

NGƯỜI DÂN CÒN LƠ LÀ

Trước tình hình SXH tăng cao, diễn biến phức tạp, các địa phương đã tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch. Cụ thể, các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ tổ chức ra quân diệt lăng quăng thường xuyên, liên tục, mỗi tuần 1 lần. Ngành y tế cũng đã thành lập mạng lưới cộng tác viên phòng, chống SXH cho 7 huyện, thị xã, thành phố nhằm hướng dẫn người dân biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Tấn Bản (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức kiểm tra thực tế công tác phòng, chống SXH tại hộ gia đình thuộc xã Sơn Bình. Ảnh: NGUYỄN THI
Ông Nguyễn Tấn Bản (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức kiểm tra thực tế công tác phòng, chống SXH tại hộ gia đình thuộc xã Sơn Bình. Ảnh: NGUYỄN THI

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về tình hình SXH tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh tuần trước cho thấy, công tác diệt lăng quăng chưa đạt hiệu quả. Tỷ lệ ổ lăng quăng trong các hộ gia đình, khu vực công cộng vẫn còn ở mức cao. Theo phân tích của Viện Pasteur, nguyên nhân là do chưa tìm và xác định đúng vật chứa lăng quăng để xử lý. Tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng nằm trong các vật dụng phế thải, vật dụng ít được người dân chú ý dọn vệ sinh như máng nước uống cho gà, vật nuôi, bệ chậu kiểng, hốc tường… Những khu vực đất trống, công viên, nghĩa trang cũng có nhiều vật dụng chứa nước làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng chưa có biện pháp thuyết phục, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh, diệt lăng quăng phù hợp, chủ yếu chỉ là phát tờ rơi tuyên truyền. 

UBND tỉnh đã bố trí kinh phí dự trù khoảng 3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống SXH. Tuy nhiên, đến nay, kinh phí này đã sử dụng hết. Ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh được sử dụng nguồn kinh phí dự phòng công tác phòng, chống dịch bệnh để chi cho công tác phòng, chống SXH. Ngành y tế các địa phương cần nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ, huy động lực lượng tham gia công tác phòng, chống SXH. 

(Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc  Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Ngoài ra, người dân còn lơ là trong việc phòng, chống dịch. Ông Phạm Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho hay: “Để phun xịt hóa chất diệt muỗi xử lý các ổ dịch trên địa bàn xã, cán bộ, nhân viên y tế phải đi từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm mới xong. Thế nhưng, chỉ cần còn các ổ lăng quăng là vài ngày sau, muỗi lại phát sinh. Do đó, chúng tôi huy động các lực lượng ĐVTN, đoàn thể tham gia diệt lăng quăng; đồng thời đến các hộ gia đình trực tiếp hướng dẫn biện pháp phòng, chống SXH… Tuy nhiên, người dân rất thờ ơ. Chúng tôi nhắc thì họ làm, không nhắc thì không làm, trong khi phòng,  chống dịch là trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ chính mình và cộng đồng”.

HẾT LĂNG QUĂNG SẼ HẾT SỐT XUẤT HUYẾT 

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng, SXH ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đang diễn biến phức tạp. Trước đây, các ổ lăng quăng chủ yếu có trong lu, chum, vại, bình hoa, chậu kiểng thì nay còn là hốc tường nhà cao tầng, hốc điều hòa, vật dụng ở các công trình xây dựng, vật dụng phế thải… Bên cạnh đó, tỷ lệ dân nhập cư vào các tỉnh, thành này khá cao, họ chưa có miễn dịch cộng đồng nên rất dễ bị SXH và làm lây lan dịch bệnh. Khí hậu ấm lên, chủng vi rút thay đổi cũng là những nguyên nhân khiến SXH gia tăng. Dự báo khi lượng mưa trong những tháng tới tăng, dịch SXH sẽ bùng phát rộng hơn. 

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc diệt lăng quăng, phòng, chống SXH, ngoài các đội vãng gia, địa phương đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh hàng ngày, nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống SXH. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống loa phát thanh phủ sóng khắp địa bàn xã, tới thôn, ấp để tăng hiệu quả tuyên truyền đến người dân. Bên cạnh đó, UBND xã cũng dự trù kinh phí đề xuất UBND huyện bố trí để tăng cường cho các hoạt động phòng, chống SXH của xã.

(Ông Nguyễn Hữu Quyên, Chủ tịch UBND xã  Phước Tân, huyện Xuyên Mộc)

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, việc cần tập trung thực hiện ngay từ bây giờ là dập dịch diện rộng trên toàn tỉnh, tổ chức diệt lăng quăng thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các địa phương chứ không chỉ tập trung vào những điểm “nóng”. Hơn nữa, SXH là bệnh lưu hành quanh năm, do đó công tác phòng, chống phải kiên trì, đều đặn, liên tục, không nên để gia tăng bệnh mới ra quân thực hiện.

Ngành y tế cần tham mưu để các ban, ngành, đoàn thể ở địa bàn dân cư cùng tham gia đội vãng gia (lực lượng phòng, chống dịch) và chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho lực lượng này. Các đội vãng gia phải chỉ ra được vật chủ chứa nước làm nơi sinh trưởng của lăng quăng, nơi trú ẩn của muỗi. Khi tổ chức dập dịch cần lưu ý diệt lăng quăng triệt để rồi mới phun hóa chất diệt muỗi. Sau khi phun phải đánh giá sĩ số côn trùng, nếu còn cao, chứng tỏ việc diệt lăng quăng chưa triệt để, cần phải làm lại. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục tăng cường vai trò của các phòng khám tư nhân trong việc phát hiện sớm ca bệnh, không được bỏ sót, mất dấu ca bệnh. Có như vậy, việc xử lý dịch bệnh mới hiệu quả. 

Bài, ảnh: NGUYỄN THI

 
.
.
.