.

Coi như có thêm bài học

Cập nhật: 19:39, 22/07/2019 (GMT+7)

- Sau Malaysia, Indonesia và Philippines, tuần rồi nước bạn Campuchia cũng tuyên bố trả lại rác. 

- Trả về đâu?

- Thì xuất phát từ đâu cứ trả về nơi đó. 

- Rác đã xuất đi, dại gì họ nhận lại?

- “Làm dữ” thì họ phải nhận thôi. Chẳng hạn người dân Indonesia biểu tình trước Lãnh sự quán Australia, nói đây là hành động “thiếu văn minh”, thế là nước này “nhột” buộc phải chở rác thải về. Philippines cũng vậy, 6 năm liền liên tục hối thúc, nói nếu không nhận sẽ chở rác sang biển Canada đổ, cuối cùng Canada cũng phải nhận lại rác. 

- Haiz, nhiều nước ASEAN trả rác, còn ta thì loay hoay… “ôm” rác. Theo thống kê, hiện có 6.000 container phế liệu nhập khẩu đang ùn ứ tại các cảng trong nước.  

- “Ôm” rác là vì là chẳng có DN nào chịu nhận là chủ nhân của những container rác đó. Ai cũng nói nơi gửi… “gửi nhầm”. Có DN có tên trong danh sách nhận nhưng cũng vẫn chối phăng không phải hàng của mình do chưa “chạy” được giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. 

- Mặt khác cũng không xác định được số rác khủng đó xuất phát từ nước nào. Mà nếu có biết họ cũng không nhận lại. Tống khứ rác đi được là họ khui sâm banh ăn mừng, ở đó mà họ nhận lại cho. 

- Nghe ông nói mà lo. Nếu không tái xuất được hàng ngàn container rác đó, bà con tụi mình lãnh đủ ô nhiễm?

 - Thì coi như có thêm bài học đắt giá về… rác vậy thôi! 

SÁU BẾN ĐÌNH 

 
.
.
.