Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Gánh nặng y tế ngày càng gia tăng
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ, toàn tỉnh có khoảng hơn 133.500 người cao tuổi (NCT - từ 60 tuổi trở lên), chiếm tỷ lệ 11,7%. Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở giai đoạn già hóa dân số. Như vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT sẽ ngày càng tăng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch - Lão học tại Bệnh viện Lê Lợi. |
Do mức sinh thấp nên tỷ lệ dân số già tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng tăng. Số người già độ tuổi từ 60 trở lên đã vượt hơn 11%, người từ 75 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 7%. Một số địa phương như phường 1, phường 4 (TP. Vũng Tàu), huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức… do ít biến động về dân cư nên có tỷ lệ già hóa diễn ra nhanh. Già hóa dân số tạo gánh nặng về y tế bởi nhu cầu, chi phí khám chữa bệnh của NCT thường cao gấp 8-9 lần so với người trẻ. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ở nhiều cơ sở y tế, NCT đến khám và điều trị sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm. Tại các bệnh viện, tỷ lệ NCT đến khám chữa bệnh đang ngày càng tăng.
Ông Chu Minh Sâm (68 tuổi, phường 8, TP. Vũng Tàu) mắc nhiều chứng bệnh mãn tính như: phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, cao huyết áp đã hơn 2 năm nay. Hầu như tháng nào ông cũng phải vào bệnh viện để khám, điều trị các bệnh mãn tính. Từ đầu năm đến nay, ông đã phải nhập viện 3 lần do bệnh trở nặng. Tương tự, bà Hồ Thị Vụ (86 tuổi, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) mắc nhiều chứng bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, huyết áp, máu đông. Do đó, bà cũng thường xuyên phải nhập viện điều trị ở Bệnh viện Lê Lợi và không ít lần phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết, do dân số đang già hóa nên nhu cầu về chăm sóc y tế dài hạn cho NCT sẽ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn người trẻ. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.
Bộ Y tế đã ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 nhằm tăng cường hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe NCT. Đề án hướng tới các mục tiêu: 100% NCT có thẻ BHYT; 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% NCT bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức khoa lão hoặc dành một số giường để điều trị cho người bệnh là NCT...
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT cũng đang dần được thiết lập. Cụ thể, từ tháng 4/2018, Bệnh viện Lê Lợi đã thành lập và đưa vào hoạt động Khoa Tim mạch - Lão học (tách ra từ Khoa Nội tổng hợp) để chăm sóc, điều trị tốt hơn cho bệnh nhân tim mạch và các bệnh nội khoa cho NCT. Khoa Tim mạch - Lão học được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất gồm: khu cấp cứu, khu điều trị nội trú (có 9 phòng, với 40 giường bệnh) cùng các thiết bị hiện đại (máy điện tim, máy bơm tim, oxy trung tâm...). Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Khoa Tim mạch - Lão học đã điều trị nội trú cho hơn 180 bệnh nhân. Tương tự, tại Bệnh viện Bà Rịa, ngoài Khoa Tim mạch - Lão học, mỗi khoa phòng điều trị các bệnh nội khoa tại bệnh viện đều có phòng bệnh dành riêng cho NCT.
Bên cạnh việc tăng cường công tác khám chữa bệnh chuyên khoa các bệnh mãn tính cho NCT, hàng năm ngành y tế đều có các đợt khám sức khỏe định kỳ cho NCT từ 70 tuổi trở lên tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế cũng đang triển khai các chương trình quản lý bệnh mãn tính, mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế chủ yếu phục vụ cho đối tượng NCT…
Thời gian tới, theo yêu cầu của đề án trên, các tỉnh, thành đang già hóa dân số sẽ hướng tới việc xây dựng bệnh viện phù hợp; triển khai thí điểm xã hội hóa mô hình chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày và chăm sóc y tế cho NCT ở các cơ sở dưỡng lão… Nhờ đó, NCT được chăm sóc sức khỏe toàn diện, dự phòng bệnh tật tốt thì sẽ giảm được gánh nặng về y tế.
Bài, ảnh: MINH THIÊN