Tổng điều tra dân số và nhà ở tại BR-VT: Về đích đúng kế hoạch
Tính đến 19 giờ ngày 23-4, 100% địa bàn điều tra dân số và nhà ở của tỉnh đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu. Đến 25-4, toàn bộ thông tin đã được kiểm tra, cập nhật và đồng bộ lên hệ thống của Tổng cục thống kê, đúng kế hoạch đã đề ra.
Điều tra viên Lê Bình (bìa phải) thu thập thông tin tại hộ ông Lê Văn Đời, tổ 22, ấp Trung Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. |
Thực hiện cuộc Tổng điều tra dân số (DS) và nhà ở năm 2019, toàn tỉnh có 2.657 địa bàn điều tra, với 323.289 hộ và hơn 1,14 triệu nhân khẩu thuộc diện điều tra. Tỉnh đã huy động 1.920 điều tra viên và 93 tổ trưởng tham gia điều tra. Tổng điều tra đã thu thập các thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư. Các điều tra viên được tuyển chọn đều có sự nhiệt tình, chuẩn bị chu đáo về thiết bị phục vụ cho công tác điều tra như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… Công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhờ vậy, đa số người dân đều nắm được thông tin, cung cấp đầy đủ số liệu theo yêu cầu của điều tra viên.
Theo đánh giá, trong quá trình thu thập thông tin, công tác điều tra dân số cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc một số hộ dân thường xuyên vắng nhà, đi làm ăn xa, công nhân đi làm về muộn hoặc hệ thống phần mềm chương trình có sự thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra. Để chủ động giải quyết các tình huống, Cục Thống kê tỉnh tăng cường công tác giám sát cơ sở, thường xuyên liên lạc với BCĐ ở các huyện, thành phố, thị xã và phân công cán bộ xuống tận địa bàn nắm bắt thông tin, bàn phương án xử lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bảo đảm tiến độ điều tra. Chị Đặng Thị Thu Hà, tổ trưởng điều tra dân số (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) cho biết, mỗi buổi sáng, chị đều lên mạng, theo dõi tiến độ điều tra từng địa bàn. Nếu địa bàn nào đạt thấp thì thường xuyên điện thoại đôn đốc điều tra viên để bảo đảm tiến độ, thậm chí xuống tận nơi để kiểm tra, huy động thêm điều tra viên hỗ trợ tại địa bàn vùng xa.
Tổng điều tra dân số và nhà ở (gọi tắt là tổng điều tra) được thực hiện 10 năm 1 lần. Tổng điều tra ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra lần thứ 5 tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và đánh giá kết quả việc thực hiện chiến lược, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011- 2020; là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược và đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020- 2030. |
Ông Nguyễn Thư, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thường trực Ban chỉ đạo tổng điều tra DS và nhà ở tỉnh cho biết: Việc điều tra bằng phiếu thông tin điện tử (chương trình CAPI) có nhiều ưu điểm như: Cập nhật thông tin nhanh, xử lý nghiệp vụ ngay tại địa bàn, giúp điều tra viên không phải mang vác phiếu giấy; không phải tẩy xóa trên giấy, tiết kiệm chi phí in ấn và vận chuyển, bảo quản. Nhưng CAPI cũng bộc lộ hạn chế, như: Cập nhập mới liên tục gây khó khăn cho điều tra viên; giai đoạn đầu thường xuyên lỗi mạng làm chậm tiến độ điều tra; một số điều tra viên lớn tuổi tác nghiệp trên thiết bị điện tử thông minh còn hạn chế, điều tra viên trẻ thì không am hiểu địa bàn; một số điều tra viên bị giật, bị trộm điện thoại, bị chó cắn… nên vẫn còn những vướng mắc, thiếu sót phải bổ sung.
Sau 23 ngày triển khai kể từ ngày ra quân Tổng điều tra DS và nhà ở (1-4-2019), đến 19 giờ ngày 23-4, BR-VT đã hoàn thành 100% địa bàn điều tra; hoàn thành 100% hộ, sớm 1 ngày so với thời hạn đặt ra. Tiếp đó, Cục thống kê tỉnh tập trung xử lý số liệu, sửa lỗi trên các phiếu điều tra. Đến chiều tối ngày 25-4, công tác điều tra đã hoàn chỉnh, chuyển về Tổng Cục thống kê, đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: MINH THANH