Đàn ông vào bếp thì có gì sai!
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không còn ru rú xó bếp, họ còn phải lao ra ngoài xã hội kiếm sống. Việc đàn ông làm việc nhà thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến người phụ nữ.
Làm trai rửa chén, quét nhà/Vợ kêu thì dạ, bẩm bà có tôi.
Câu “ca dao” tân thời giễu cợt, cười vào mũi những người đàn ông biết lo toan việc nhà. Thật ra tùy theo mỗi thời đại, quan niệm về vai trò của mỗi giới tính đã có sự thay đổi. Trước đây, người ta nhất nhất cho rằng, đàn ông phải lao ra ngoài xã hội, chỉ cần đem tiền về đưa vợ là hoàn thành nghĩa vụ làm cha, làm chồng. Mọi việc còn lại là của vợ. Vợ không được quyền hó hé, há mồm buộc chồng phải nghía mắt đến những việc cỏn con trong nhà.
Bởi thế mới có chuyện rằng: Trong hội nghị tổng kết kinh nghiệm làm chồng, có người được hoan nghênh nhiệt liệt, chỉ vì: “Khi tớ đang làm việc, vợ tớ đến đứng xớ rớ bên cạnh là tớ quát ngay cho một trận: “Này, tránh ra! Việc của tôi, bà không được đụng vào nghe chưa!”. Vợ tớ nghe xong là im thin thít như thịt nấu đông. Đố mà dám há miệng ra cãi. Oách quá nhỉ! Hoan hô! Hoan hô! Một người đàn ông dũng cảm như thế thật hiếm có trong thời đại này. Cả khán phòng liền nhao nhao hỏi: “Anh làm việc gì mà bả sợ vậy?”. Câu trả lời là: “Những lúc ấy thường là tớ tắm cho thằng nhóc, nấu nướng, giặt giũ, lau nhà, ủi quần áo, tưới cây… chứ làm gì nữa?”.
Tôi tin chắc rằng, mẩu chuyện này đem “sao y bản chính” dẫu có tài kể chuyện cỡ bác Ba Phi cũng không thể đem lại tiếng cười hào hứng như trước. Tại sao? Bởi hành động giúp vợ đã trở thành sự hiển nhiên, chẳng còn là tình huống bất ngờ tạo ra sự ngạc nhiên nữa.
Quan niệm giúp vợ làm việc nhà, gần đây đã có sự thay đổi từ trong nhận thức của nhiều gia đình. Phẩm chất về người đàn ông lý tưởng cũng đã khác trước. Đại loại, trách nhiệm nặng nề hơn bởi họ phải phấn đấu đạt danh hiệu “hai giỏi”: Giỏi chuyên môn để có thể lo toan mái ấm; giỏi việc nhà để đỡ đần cùng vợ thu vén chuyện nhà cửa, dạy dỗ con cái.
Ơ hay! Vô lý quá, nói thế mà nghe được à? Cưới vợ để có người “nâng khăn sửa túi”, chứ đâu phải gánh lấy thêm sự phiền toái, phải “thế này thế kia”. Nếu vậy, còn đâu thời gian để người đàn ông lo công danh sự nghiệp. Xin thưa, chẳng lẽ đã là phụ nữ thì không phải cần phải có địa vị trong xã hội à.
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không còn ru rú xó bếp, họ còn phải lao ra ngoài xã hội kiếm sống nữa. Họ cũng sử dụng lượng thời gian, làm công việc một ngày lao động không thua gì đàn ông. Rõ ràng, khi bước ra ngoài xã hội, cả hai đều “bình đẳng”, đều lăn xả trong công việc để có thể hoàn thành trách nhiệm cá nhân. Thế mà, có nhiều người đến chơi nhà bạn, lập tức “xốn mắt trái, ngứa mắt phải” khi nhìn thấy bạn đang cần mẫn phụ bếp giúp vợ. Lập tức, đánh giá vợ đang “ăn hiếp” chồng! Vô lý đùng đùng!
Sao không ai nghĩ giùm, trong quá trình chung sống, người phụ nữ còn có thiên chức sinh con đẻ cái. Do nhiều hoàn cảnh, buộc họ phải đẻ con trai nữa kia, chứ toàn lũ “vịt giời” là không xong với chồng, gia đình chồng! Cái nhìn hạn hẹp sinh trai hay gái cũng là một áp lực cho không nhỏ. Không những thế, người đàn ông còn đòi hỏi “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Vì thế, người phụ nữ không được quyền “dẫm chân tại chỗ” mà phải phấn đấu nhiều hơn về mọi mặt để “làm sang” cho chồng.
Xét về thể chất, nam và nữ tương đương nhau, chẳng ai có thể “trâu cày hục hục” khỏe hơn ai. Lạ đời thật, giặt tã của con, chạy ra chợ mua giúp vợ vài thứ lặt vặt, vén tay áo xông vào bếp lại bị (hoặc tự) đánh giá là biểu hiện của sự hèn kém, không đáng mặt nam nhi! Nói một cách rạch ròi, gọi đúng tên của quan niệm này chỉ có thể gói gọn trong hai từ “ích kỷ”.
Không ích kỷ sao được, khi cùng lao ra đường kiếm sống, lúc quay về nhà, người đàn ông có quyền vắt chân chữ ngũ, nằm khểnh vểnh râu nghỉ ngơi chờ sự phục vụ của vợ. Mà vợ có phải thần thánh gì đâu, cũng hai mắt hai tay nhưng vừa cơm nước, vừa dỗ con, vừa quét nhà, vừa giặt quần áo, vừa đủ thứ hầm bà lằng! Rồi có những lúc canh khuya gà gáy, con khóc ò e, đói sữa thì vợ lại trằn trọc mất ngủ; đã thế, chồng còn cao hứng đòi “tòm tem” thì cỡ mình đồng da sắt cũng trở thành “anh hùng thấm mệt”!
Thiết nghĩ, nếu thay đổi quan niệm cũ rích chê bai người đàn ông “đi chợ, nấu cơm” thì đó là một trong những cách thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến người phụ nữ. Giúp vợ làm việc nhà, không hề làm giảm “giá trị” mà chính là thước đo nhận thức về văn hóa, về trách nhiệm của người đàn ông trong quá trình chung sống. Hành động “nghĩa hiệp” ấy chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ đem lại hạnh phúc của một gia đình. Bởi qua đó, nó còn thể hiện bản lĩnh vững vàng của người đàn ông trong cuộc sống.
Thử hỏi, người phụ nữ nào lại không yêu quý và thích chung sống với “anh xã” như thế.
LÊ MINH QUỐC