.
KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 -30-4-2019)

Cựu tù chính trị góp sức xây dựng quê hương

Cập nhật: 07:48, 26/04/2019 (GMT+7)

Trải qua những năm tháng bị giam cầm khổ cực nơi ngục tù Côn Đảo với những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, trở lại thời bình, những cựu tù chính trị lại tiếp tục cống hiến sức mình, đóng góp cho quê hương trên nhiều lĩnh vực công tác. 

Ông Võ Văn Giáo (giữa) cùng bà Hiền và ông Đức ôn lại ký ức về những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.
Ông Võ Văn Giáo (giữa) cùng bà Hiền và ông Đức ôn lại ký ức về những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.

DẤN THÂN THEO CÁCH MẠNG 

Sinh ra và lớn lên tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), từ khi còn nhỏ, noi theo truyền thống cách mạng của gia đình, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1956) đã hăng hái tham gia tổ quân báo của địa phương, làm giao liên, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Năm 1971, bà bị địch phát hiện, bắt giữ. Trước khi bị đày ra Côn Đảo (cuối năm 1972), bà Hiền đã trải qua các trại giam ở Trung tâm Cải huấn Quy Nhơn (Bình Định), Quân lao (Nha Trang). Tại đây, mặc dù kẻ thù dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man, bà vẫn không hé răng nửa lời về cơ sở cách mạng. 

Tại nhà tù Côn Đảo, bà bị giam cầm ở các trại 7, 4, 2, 1, nhưng những ngày bị giam ở Trại 7 (trại cấm cố) là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất. “Từ phía trên, chúng đổ nước tiểu, vôi bột xuống tù nhân. Có khi chúng ném lựu đạn cay làm người tù bất tỉnh để dễ dàng chia sang các phòng khác”, bà Hiền nhớ lại. Cuối năm 1974, bà bị đưa về giam ở nhà lao Thủ Đức (Sài Gòn). Cuối cùng, không khai thác được gì, 2 tháng sau chúng buộc phải trả tự do cho bà. 

Ông Đặng Văn Đức (SN 1942, quê Vĩnh Long) cũng trải qua 5 năm (1970-1975) sống trong cảnh tù đày ở các trại giam Côn Đảo. Sinh ra trong cái nôi cách mạng xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cha mẹ ông Đức bị địch thả bom, bắt, giết hại vào năm 1967. Ba năm sau, khi đang đi làm giao liên, mang dụng cụ y tế cho bệnh xá xã để cứu chữa cho bộ đội, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. “Trước khi bước chân lên đất Côn Đảo, địch bắt tù nhân phải cúi đầu, nhưng tôi và tất cả người tù chính trị đều ngẩng cao đầu, không chịu khuất phục. Ngay sau đó, chúng tôi bị chúng đánh đập dã man, bị đẩy lên xe đưa về các phòng biệt giam ở Trại 7”, ông Đức nhớ lại. Ở đó hơn 1 tháng, ông bị đưa qua các trại cải tạo ở trại 6 khu B. Chúng bắt người tù ngồi xếp hàng ngang, xích chân bằng còng sắt, sau đó xỏ 1 thanh sắt ngang xuyên qua còng để xâu người tù lại với nhau…

 GÓP SỨC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG 

Đất nước hòa bình, trở về cuộc sống đời thường, những cựu tù chính trị có người lành lặn, có người mang thương tật nhưng trong họ vẫn cháy bỏng nhiệt huyết góp sức cống hiến cho quê hương, đất nước.  

Là một trong hơn 150 người tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo sau giải phóng (tháng 4-1975), ông Đức được Ban Quân quản giao làm cán bộ quản giáo Trại cải tạo 1 Côn Đảo. Năm 1977, ông chuyển qua làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an Côn Đảo). 2 năm sau, do sức khỏe yếu, ông xin về quê hương Vĩnh Long để dưỡng bệnh. Năm 2003, nhận lời mời của một số đồng đội, ông Đức về Vũng Tàu làm việc, giữ nhiều vị trí như: Tổ trưởng tổ 12 (nay là tổ 10), Chi hội trưởng Chi hội nông dân khu phố 11, Trưởng ban Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của phường, thành viên Ban Công tác mặt trận phường Thắng Nhất... Với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố 16 năm nay, ông Đức đã vận động người dân tích cực tham gia các phong trào: dọn vệ sinh môi trường, trang trí các tuyến đường trong tổ vào các dịp lễ, Tết, đăng ký thu gom rác đúng quy định. Trong đó, 10 năm liền, tổ dân phố do ông phụ trách được công nhận là Tổ dân phố xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cá nhân ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp Nông dân Việt Nam” năm 2017, UBND tỉnh tặng Bằng khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu” 5 năm liền (2009-2013), cùng nhiều giấy khen của phường, thành phố. 

Năm 2018, Hội Người tù kháng chiến tỉnh đã vận động nhà hảo tâm đóng góp, tổ chức thăm hỏi, cúng viếng, tặng quà nhân dịp lễ, Tết cho 1.247 lượt cựu tù với tổng số tiền hơn 633 triệu đồng; tổ chức nói chuyện truyền thống về mặt trận đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc và về nhà tù Côn Đảo tại 51 điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh với hơn 17.200 người tham dự.

Quý I-2019, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 850 lượt cựu tù với số tiền hơn 546 triệu đồng; nói chuyện truyền thống về nhà tù Côn Đảo tại 2 điểm trường với 1.400 người tham dự.

Cũng như ông Đức, sau khi được trả tự do cuối năm 1974, bà Hiền về quê rồi vào Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tìm lại gia đình. Năm 1981, bà về làm việc ở Trại thu mua muối (huyện Long Điền), sau đó lập gia đình và chuyển về TP. Vũng Tàu sinh sống. Hiện tại, bà Hiền là Tổ trưởng tổ dân phố, Phó Ban công tác Mặt trận khu phố, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu phố 4 (phường 3). Trong quá trình công tác, bà cùng các hội viên thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, Tết; vận động người dân trong tổ đoàn kết, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư. Với những đóng góp của mình, bà đã nhận được nhiều Giấy khen của phường, TP. Vũng Tàu trong các lĩnh vực mình đảm nhiệm. 

Ông Võ Văn Giáo (Cựu tù chính trị Côn Đảo), Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh cho biết, sau giải phóng, trở lại thời bình, các cựu tù chính trị vẫn tiếp tục cống hiến, đóng góp sức mình cho cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. “Hiện nay, Hội người tù kháng chiến tỉnh có 74 chi hội phường, xã, thị trấn với có 983 hội viên. Trong đó, có 77 cựu tù đang tham gia công tác Đảng, đoàn thể, tổ tư vấn phản biện trên địa bàn tỉnh, luôn gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày, được chính quyền tín nhiệm, nhân dân tin tưởng. Ngoài ra, các hội viên còn vận động các nhà hảo tâm đóng góp để thăm hỏi, tặng quà cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn. Hiện có 3 cựu tù được 3 doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng/người”, ông Giáo cho biết thêm.

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

.
.
.