.

Phụ nữ cần lên tiếng khi bị bạo hành

Cập nhật: 20:18, 26/04/2019 (GMT+7)

Dù đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới (BĐG) nhưng tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái vẫn thường xuyên xảy ra, trở thành rào cản lớn về thực hiện mục tiêu BĐG trong gia đình tại BR-VT.

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Châu Đức với mô hình may gia công tại nhà.
Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Châu Đức với mô hình may gia công tại nhà.

Theo lời bà Tạ Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Long (huyện Châu Đức), vào năm 2017, vợ chồng chị Nguyễn T. T. (thôn Hoa Long) thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Vì ghen tuông nên chồng chị T. luôn kiếm cớ gây sự, đánh đập chị T. Dù cố gắng cải thiện mối quan hệ vợ chồng nhưng chị T., vẫn không chịu nổi sự chì chiết, bạo hành của chồng nên quyết định ly hôn. “Sau khi ly hôn, chị T. vẫn tiếp tục bị chồng rượt đánh. Có lần, bị chồng cũ cầm gậy dọa giết, chị T. vô cùng hoảng sợ và tìm sự trợ giúp và được đưa đến “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Được Công an xã Kim Long cùng với các hội, đoàn thể phân tích đúng, sai, người chồng có hành vi bạo lực đã nhận ra lỗi lầm và không còn bạo hành chị T. nữa”, bà Loan cho hay.

Còn trong câu chuyện của mình, chị Trương Thị H. (phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, hơn 10 năm nay vợ chồng chị thường sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Vốn tính gia trưởng, mọi vấn đề lớn nhỏ trong nhà, chồng chị H. đều tự quyết và bắt vợ phải làm theo. Biết tính chồng, chị H. luôn nín nhịn để giữ hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, mâu thuẫn diễn ra thường xuyên hơn từ khi chị H. sinh bé thứ 2 cũng là con gái. “Lúc nào không vừa ý, chồng tôi sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Bị chồng ngược đãi nhưng tôi vẫn cố nhịn chỉ vì nghĩ tới các con. Mọi chuyện xảy ra ngày càng nặng nề hơn nên tôi phải tìm sự trợ giúp từ “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. May mắn có sự can thiệp kịp thời, giúp chồng tôi hiểu ra mọi chuyện, cư xử đúng mực hơn”, chị H. nói.

Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn vụ bạo lực gia đình được phát hiện thông qua mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay. Thống kê của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh cho thấy, giai đoạn 2008-2018, toàn tỉnh xảy ra 2.093 vụ bạo lực gia đình. Mỗi năm, BR-VT xảy ra bình quân 190 vụ bạo lực gia đình. Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH, các số liệu về bạo lực gia đình nêu trên là các vụ được phát hiện, can thiệp và xử lý. Trên thực tế, nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được thống kê vì người trong cuộc không trình báo.

BR-VT hiện đã xây dựng 116 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững, 186 nhóm CLB phòng chống bạo lực gia đình, mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình nhằm tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình; Thành lập 233 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở; 78/82 xã phường có nhà tạm lánh hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; Xây dựng 438 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực. Từ 2008-2018, toàn tỉnh đã phát hiện và tư vấn, giúp đỡ cho 610 nạn nhân/2.223 vụ bạo lực gia đình. Riêng năm 2018, các địa chỉ tin cậy đã tiếp nhận 255 trường hợp tìm đến để được hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Để thực hiện mục tiêu BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, BR-VT đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm tạo môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này thể hiện rõ ở chỗ phụ nữ và trẻ em gái được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội. Cụ thể như thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách bảo đảm về giáo dục, y tế... Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BĐG để nâng cao nhận thức cho người dân để thực hiện hiệu quả BĐG trong gia đình.

Bà Trương Thị Ánh Ngà cho rằng, để bảo vệ mình, khi bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực, phụ nữ không nên im lặng mà cần lên tiếng để nhận được sự trợ giúp kịp thời. Để đạt mục tiêu bình đẳng giới trong gia đình thì các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực, hoạt động. Chính quyền cơ sở, hội đoàn thể cũng nên lập danh sách những đối tượng nguy cơ cao để tiếp cận tư vấn, theo dõi, can thiệp kịp thời.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.