.

Dự báo "cuộc đua căng thẳng" vào lớp 10 công lập

Cập nhật: 18:54, 03/03/2019 (GMT+7)

KHOẢNG 4.200 HS KHÔNG ĐƯỢC VÀO TRƯỜNG CÔNG

Mới đây, Sở GD-ĐT đã ban hành Dự thảo kế hoạch trường lớp, HS công lập năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến, năm học tới đây, chỉ tiêu HS vào lớp 10 công lập của tỉnh tiếp tục giảm còn 74,95% nhằm từng bước đạt mục tiêu đẩy mạnh phân luồng sau THCS. Cụ thể, tại TP.Vũng Tàu, dự kiến chỉ tiêu HS vào lớp 10 công lập thấp nhất trong toàn tỉnh, với 70,69%; huyện Long Điền là 74,86%; huyện Đất Đỏ là 76,85%; huyện Xuyên Mộc là 78,08%; huyện Châu Đức là 78,18%. Như vậy, trong tổng số gần 16.000 HS lớp 9 trên địa bàn tỉnh, chỉ có khoảng hơn 11.800 HS vào lớp 10 công lập. Số còn lại sẽ rẽ sang nhiều ngả đường khác như theo học các trường THPT ngoài công lập, bổ túc THPT, học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp...

HS lớp 9/4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP. Vũng Tàu) thảo luận nhóm trong giờ học Ngữ Văn. Ảnh: TƯỜNG NGÂN
HS lớp 9/4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP. Vũng Tàu) thảo luận nhóm trong giờ học Ngữ Văn. Ảnh: TƯỜNG NGÂN

Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho rằng, tỷ lệ HS vào trường THPT công lập trong khoảng hơn 70% là hợp lý, theo chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, để bảo đảm HS được phân luồng sớm, ngay từ khi hoàn thành chương trình THCS. Bởi nếu theo học nghề sớm, thời gian vẫn có cơ hội có được tấm bằng tốt nghiệp THPT, trong khi thời gian đào tạo nghề ngắn, sớm có cơ hội việc làm. Tuy vậy, ông Phạm Văn Ngọc cũng cho biết tâm lý của số đông phụ huynh, nhất là ở khu vực thành thị đều muốn con em mình được vào trường THPT công lập sau khi tốt nghiệp THCS hoặc chỉ học nghề sau khi đã tốt nghiệp THPT. Do đó, cuộc đua vào lớp 10 công lập năm học này dự báo sẽ không “giảm nhiệt”.

Chỉ tiêu HS vào lớp 10 của toàn tỉnh dự kiến giảm cũng tạo áp lực vô hình cho các nhà trường, GV và các em HS. Cô Kim Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Rịa) cho hay: “Qua thống kê một số năm gần đây, tỷ lệ HS của trường đăng ký vào Trường THPT Châu Thành khá cao. Trong khi đó, tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của THPT Châu Thành thuộc top đầu của tỉnh nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì lý do đó, không chỉ các em HS mà cả các thầy cô và Ban giám hiệu nhà trường đều cảm thấy căng thẳng trước cuộc đua vào lớp 10 công lập”. Cùng nỗi lo, cô Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) chia sẻ, việc định hướng cho HS đi theo những “ngã rẽ” ngoài con đường vào THPT công lập không hề dễ dàng. Đơn cử như trước kỳ thi tuyển sinh năm học 2018-2019, mặc dù nhà trường đã ra sức vận động nhưng chỉ có 28/345 HS khối 9 chủ động theo học nghề. Nguyện vọng vào công lập cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thấp khiến nhà trường cảm thấy vô cùng áp lực”.

Lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, em Lê Tấn Cường, HS lớp 9A1 Trường THCS Vũng Tàu cho biết: “Em dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Vũng Tàu. Em không đăng ký thi THPT chuyên Lê Quý Đôn mà dốc toàn lực học ba môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh để đạt nguyện vọng vào THPT công lập”.

CÁC TRƯỜNG XÁC ĐỊNH CHUẨN BỊ TỐT NHẤT CHO HS

Để chủ động trong “cuộc đua” vào lớp 10 công lập, đến thời điểm này, các Phòng GD-ĐT và các nhà trường đều đã triển khai kế hoạch ôn tập nhằm mang lại kết quả cao nhất. Theo thầy Nguyễn Xuân Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Châu Đức), những năm học trước, kết thúc học kỳ 2 nhà trường mới triển khai cho HS ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, năm học này, ngay đầu học kỳ 1, nhà trường đã họp Ban đại diện cha mẹ HS để xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng sớm cho các em. Bắt đầu từ tháng 3, các em học phụ đạo 2 buổi chiều cho 3 môn thi, mỗi môn 2 tiết để ôn lại những kiến thức đã học.

Còn tại Trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Rịa), công tác ôn tập cũng được đẩy lên sớm hơn so với mọi năm. Ngay từ tháng 1, nhà trường đã bắt đầu triển khai cho HS học phụ đạo 3 môn thi với thời lượng 4 tiết/tuần/môn. HS được củng cố lại kiến thức cơ bản, kỹ năng làm bài, luyện giải đề thi của những năm học trước… Bên cạnh đó, nhà trường cũng căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá để phân loại HS. Từ đó, có kế hoạch phụ đạo cho HS yếu và bồi dưỡng HS khá, giỏi để các em đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Cuối tháng 2 vừa qua, Sở GD-ĐT đã công bố đề thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, môn Toán thi bằng hình thức tự luận, thời gian 120 phút. Nội dung ôn tập là: Căn thức bậc 2, Giải phương trình và hệ phương trình, Hàm số và đồ thị Ứng dụng phương trình, hệ phương trình; Bài toán tổng hợp, bài toán mở; Tam giác, góc với đường tròn. Môn Ngữ Văn thi bằng hình thức tự luận trong 120 phút. Nội dung ôn tập cũng được giới hạn rõ ràng. Bên cạnh kiến thức về các tác phẩm văn học, HS còn cần có kiến thức về đời sống, xã hội để viết bài nghị luận theo hướng mở. Đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu văn bản (3 điểm) và Tập làm văn (7 điểm). Môn Tiếng Anh có phần thi viết, nghe và thêm phần thi nói trong thời gian 2 phút với thi chuyên.

Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) thì cho biết thêm, từ tháng 1 cho đến hết tháng 5, khi hoàn thành chương trình chính khóa, nhà trường tổ chức cho HS khối 9 ôn tập 3 buổi trên tuần cho các môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh. Sau khi thi xong học kỳ 2, thời lượng ôn tập sẽ tăng lên, vào tất cả các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7. Riêng đối với môn Tiếng Anh, bên cạnh thi viết còn có thêm phần thi nghe, nói. Do đó, cùng với việc rèn luyện các kỹ năng này trong các tiết dạy chính khóa và phụ đạo, nhà trường còn tổ chức CLB tiếng Anh, thu hút 100% HS khối 9 tham gia. Tại đây, các em có cơ hội thực hành nghe, nói nhiều hơn để không bị bỡ ngỡ khi chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức sân chơi Rung chuông vàng để giúp các em khắc sâu kiến thức qua việc chơi mà học.

Học công lập, dân lập hay GDTX khi thi đỗ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT như nhau
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 trường THPT công lập, 8 trung tâm GDTX và 5 trường THPT ngoài công lập.
Về chương trình học, HS phổ thông, GDTX sử dụng cùng một loại SGK theo chương trình phổ thông cơ bản. Tuy nhiên, HS GDTX sẽ được giảm tải một số nội dung. HS GDTX chỉ học có 7 môn bắt buộc là Toán, Vật lý, Hóa học, Văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, cả HS THPT công lập, dân lập hay GDTX đều được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng một ngày. Nếu thi đỗ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, bằng do Bộ GD-ĐT ban hành. Phôi bằng tốt nghiệp theo chương trình GDTX giống và không phân biệt hệ GDTX hay THPT công lập.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho rằng, trước tình hình chỉ tiêu HS vào lớp 10 công lập giảm, bên cạnh việc tăng cường chất lượng giảng dạy, ôn tập theo chủ trương đổi mới thi cử, các địa phương và các trường THCS cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác định hướng, phân luồng để HS trung bình trở xuống sớm có lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân. Có như vậy mới có thể giảm áp lực trong cuộc đua vào lớp 10 công lập cũng như nâng cao chất lượng GD-ĐT.

KHÁNH CHI

.
.
.