Mỗi phụ huynh là một "bộ lọc"
- Giải cứu! Chung tay giải cứu bà con ơi?!
- Giải cứu nữa hả. Đến lượt cây, con gì vậy?
- Không, giải cứu trẻ em thoát khỏi ảnh hưởng của cái clip “Thử thách Momo” hướng dẫn tự sát vừa xuất hiện trên YouTube.
- YouTube có hai mặt. Cái vụ ông nói đúng là mặt trái, rất nguy hiểm. Phải báo động để mọi người - nhất là trẻ em, tránh xa các trò chơi kinh dị đó ra.
- Cũng may Google đã gỡ bỏ hình ảnh người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi hướng dẫn người chơi cách tự làm hại bản thân, xúi giục tự sát kia.
- Chỉ là “gỡ” phần ngọn, phải chặn từ gốc mới an tâm.
- Là sao?
- “Anh” Google phải có giải pháp kỹ thuật chặn các clip hướng dẫn game có nội dung hướng dẫn tự sát ẩn chứa bên trong các video tưởng chừng vô hại trên YouTube.
- Còn gì nữa?
- Cài “Chế độ hạn chế” trên YouTube cũng sẽ giúp lọc các nội dung nhạy cảm, không phù hợp với trẻ em. Chỉ người có mật khẩu mới mở được, ngăn trẻ em vô tình mở khóa…
- Hay, ông chỉ tui cách này đi!
- Nhưng nên nhớ không có bộ lọc nào chính xác 100%.
- Ủa, nói như ông thì những clip có nội dung bạo lực, nhạy cảm, xúi giục tự tử và những hành vi tiêu cực khác vẫn có thể xuất hiện trên YouTube à?
- Vẫn có khả năng “lọt lưới”.
- Vậy phải làm sao?
- Mỗi phụ huynh là một bộ lọc, giúp con trẻ ý thức được hai mặt tốt xấu của những video hoạt hình trên YouTube. Cách hiệu quả nhất để kiểm soát vấn đề này là coi YouTube cùng con.
SÁU BẾN ĐÌNH