.
CHUYỆN NHÀ:

Sự hy sinh thầm lặng

Cập nhật: 10:03, 29/03/2019 (GMT+7)

Mỗi khi mọi người hỏi chị Trang làm nghề gì, anh Huy chồng chị lại nói: “Vợ tôi làm bà chủ”, và anh âu yếm nhìn vợ.

Hỏi kỹ, hóa ra chị Trang ở nhà làm nội trợ. Nhưng nhắc đến vợ, anh Huy không chút xem thường, trái lại giọng anh đầy tự hào và tình cảm. Hàng ngày, hết 8 tiếng ở cơ quan, nếu không nhận thêm công trình hoặc bận việc, anh Huy nhanh chóng trở về nhà, phụ vợ công việc nhà. Nhiều người nói anh sợ vợ, cưng vợ, chị Trang ở nhà thì việc nhà để chị lo. Nhưng anh Huy chỉ cười, nói: “Trang coi vậy chứ sức khỏe cũng không tốt lắm. Với lại hỗ trợ vợ làm việc nhà, mình thấy vui”.

Chị Trang và anh Huy biết nhau khi đang là sinh viên. Lấy nhau, có hai mặt con, sau những ngày tháng vất vả, anh chị tằn tiện mua được căn nhà, rồi dần dần đổi căn nhà khác khang trang, rộng rãi hơn khi mới ngoài 40 tuổi. Lúc này, chị Trang là kế toán trưởng của một doanh nghiệp, còn anh Huy là kiến trúc sư chính chuyên thiết kế nhà, hai đứa con đã lớn và đi học xa. 

Thấy ba mẹ chồng hay đau ốm, khi anh Huy ngỏ ý, chị Trang đã đồng ý đón ông bà về ở chung để tiện chăm sóc. Cha anh Huy sau cơn tai biến phải nằm liệt. Mẹ anh thì bị viêm khớp, nên thường đau nhức, sau này bà phải ngồi xe lăn. Ông bà lớn tuổi, lại đau bệnh nên hay cáu gắt, khó tính. Thời gian đầu, anh chị thuê người giúp việc để nấu ăn, chăm ông bà, nhưng chỉ được một thời gian, không ai chịu làm vì vất vả, khó chiều ông bà. Hai vợ chồng anh Huy phải thay nhau nghỉ phép, chăm sóc ông bà. Thấy không ổn, anh Huy đề nghị chị Trang nghỉ việc, ở nhà chăm sóc ba mẹ chồng để anh yên tâm làm việc. Suy nghĩ cả tuần, cuối cùng chị Trang chấp nhận. 

Nghỉ việc, chị Trang cũng buồn trong một thời gian. Lúc đó chị cũng chạnh lòng khi anh Huy phó mặc mọi việc cho vợ, hàng tháng nộp tiền lương cho chị là coi như xong nhiệm vụ. Còn chị thì luôn chân luôn tay với công việc nhà, chăm sóc hai người bệnh. Đôi lúc bạn bè anh tới, nửa đùa nửa thật khen anh phong độ, còn chị tuềnh toàng không xứng đôi khiến chị càng buồn hơn. Anh Huy không nói ra, nhưng trong lòng anh cũng thầm so sánh hình ảnh những nữ đồng nghiệp năng động và người vợ “như ô sin” của mình.

Một lần, chị Trang bị ngất, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ nói chị bị suy nhược cơ thể, nằm viện theo dõi 1 tuần. Việc nhà rối tung cả lên. Ba, mẹ anh Huy không chịu ăn cháo do người khác nấu vì “không vừa miệng”. Ngày nào mẹ anh cũng hỏi: “Sao con Trang đau ốm từ hổm rày chưa lành? Để mẹ vô thăm nó”. Mẹ anh Huy bảo: “Con phải thương vợ, những lúc ba mẹ cảm sốt, đau nhức vì thay đổi thời tiết, chỉ có nó là hiểu ý, chiều chuộng được ba mẹ”. Anh Huy “dạ dạ”, trong lòng thầm biết ơn vợ. Đến viện, cầm bàn tay gầy guộc, nhiều vết chai của chị Trang, anh nói: “Anh thương em lắm, em nhanh khỏe nhé”.

Ngày ra viện, dù chưa khỏe hẳn, nhưng chị Trang đã vội trở lại với công việc chăm sóc gia đình thường ngày. Nhìn chị nhẹ nhàng trò chuyện, thăm hỏi ba mẹ chồng như ruột thịt, anh Huy cảm thấy trong lòng dâng lên niềm xúc động bởi sự hy sinh thầm lặng của vợ. Bao nhiêu năm ba mẹ anh không đi lại được, nhưng chăn nệm, giường chiếu và phòng ông bà luôn sạch sẽ, đều một tay vợ anh lo. 

Sau này, ba anh mất, mẹ anh vẫn ở với vợ chồng anh. Mỗi ngày, bà đều được chị Trang đẩy xe xuống công viên đi dạo, trò chuyện với các bà hàng xóm. Nhìn cách hai mẹ con nói chuyện, nhiều người nghĩ bà là mẹ ruột của chị Trang. Anh Huy bảo: “Trang đã hy sinh cả sự nghiệp, không một lời phàn nàn khi bỏ một công việc tốt, về chăm sóc gia đình. Anh biết ơn chị không hết. Khi ai hỏi vợ anh làm gì, anh đều trả lời: Chị là “bà chủ” quán xuyến mọi việc trong nhà, là nội tướng của gia đình”.

THẢO NGUYÊN

.
.
.