.

Điều đặc biệt ở các trường mầm non tại Côn Đảo

Cập nhật: 17:49, 18/12/2018 (GMT+7)

Trường Mầm non Tuổi Thơ và Hướng Dương (huyện Côn Đảo) là 2 trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh nhận trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi. Đây là chủ trương hết sức nhân văn nhưng cũng tạo nên cho ngành giáo dục huyện áp lực không nhỏ. 

Một tiết học của bé tại Trường MN Tuổi thơ. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Một tiết học của bé tại Trường MN Tuổi thơ. Ảnh: MỸ LƯƠNG

CHỦ TRƯƠNG GIÀU TÍNH NHÂN VĂN

Tới thăm 2 trường MN công lập của huyện Côn Đảo, chúng tôi hết sức bất ngờ khi được biết trường nhận trông giữ từ khi trẻ còn ở độ tuổi “ẵm ngửa”, chỉ từ 3 tháng tuổi. Trong lớp học đặc biệt này, GV tất bật luôn tay cho trẻ uống sữa, ăn bột, vệ sinh cá nhân, vừa dỗ dành trẻ. Chị Lê Thị Thu, mẹ của bé Lê Đức Quý (10 tháng tuổi) chia sẻ: “Tôi là bác sỹ thú y nên hết 6 tháng nghỉ thai sản tôi đã phải đi làm lại. Kinh tế gia đình không mấy dư dả để thuê người trông trẻ nên được biết nhà trường tổ chức giữ trẻ nhóm lớp từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi, vợ chồng tôi đã quyết định gửi con tại trường khi bé mới được khoảng 6 tháng tuổi. Tuy các bé còn nhỏ, chăm sóc rất vất vả nhưng các cô giáo vẫn luôn tận tình, chu đáo nên bản thân tôi và nhiều phụ huynh khác cảm thấy rất an tâm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho biết, huyện Côn Đảo, do điều kiện đặc thù, người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người từ địa phương khác tới làm việc, trong độ tuổi lao động, nhiều người có con nhỏ, không có ông bà nội ngoại, người lớn tuổi để trông giữ trẻ. Do đó, ngay từ khi thành lập trường MN trên địa bàn huyện (cách đây trên 20 năm) cho đến tận bây giờ, các trường đã nhận trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi để người lao động quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Đây là chủ trương rất nhân văn, góp phần chăm lo cho đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, giúp phụ huynh có chỗ gửi con để yên tâm làm việc, các DN thuận lợi hơn khi thu hút lao động nữ làm việc tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, do Côn Đảo không có nhóm trẻ và trường MN tư thục nên việc trông giữ trẻ hoàn toàn do các trường MN công lập đảm nhiệm. Theo ông Mạnh, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 60 trẻ ở nhóm từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi đang được trông giữ tại 2 trường: MN Tuổi Thơ và MN Hướng Dương, đáp ứng 100% nhu cầu của phụ huynh. Các nhóm trẻ này được tổ chức với tỷ lệ theo quy định không quá 6 trẻ/1 GV để bảo đảm trẻ được chăm sóc chu đáo. Với trẻ ở nhóm tuổi này, các trường MN trên địa bàn huyện hiện thu mức học phí là 70 ngàn đồng/tháng, tiền ăn chỉ khoảng 30 ngàn đồng/ngày theo quy định chung của tỉnh.

Phụ huynh đón trẻ tại Trường MN Tuổi Thơ (huyện Côn Đảo). Ảnh: MẠNH THẮNG
Phụ huynh đón trẻ tại Trường MN Tuổi Thơ (huyện Côn Đảo). Ảnh: MẠNH THẮNG

CÔNG VIỆC ĐẦY ÁP LỰC

Cô Phí Thị Thúy, GV nhóm lớp từ 3 đến 12 tháng tuổi, Trường MN Tuổi Thơ cho biết, đối với nhóm trẻ trong độ tuổi này, GV phải nỗ lực vượt nhiều khó khăn để chăm sóc các cháu. Hiện nay, với một lớp học 15 trẻ, nhà trường bố trí 3 GV, mỗi GV phụ trách chăm sóc 5 trẻ. Trong nhóm tuổi này, trẻ còn nhỏ, GV phải thường xuyên chăm sóc, dỗ dành, cho trẻ uống sữa, ăn dặm, ngủ đủ 3 cữ/ngày, gần gũi để tạo thói quen, nếp sinh hoạt nề nếp cho các em. Bên cạnh việc chăm sóc, các GV còn dạy cho trẻ các kỹ năng, như: Học bò, tập đi, nhận biết màu sắc, vật thể, kể truyện, đọc thơ cho trẻ nghe... Nhìn chung, GV ở nhóm lớp đặc biệt này lúc nào cũng luôn tay luôn chân làm việc, luôn miệng giao tiếp với trẻ. Ngay cả giờ nghỉ trưa, GV cũng không được nghỉ ngơi vì phải chăm lo cho giấc ngủ của trẻ.

Ông Nguyễn Văn Mạnh khẳng định, nhận trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi đồng nghĩa với việc các trường MN phải “gánh” thêm rất nhiều áp lực. Bên cạnh áp lực của GV đứng lớp thì đội ngũ nhân viên cấp dưỡng cũng vất vả hơn bởi phải chuẩn bị đến 3 khẩu phần ăn cho trẻ ở độ tuổi khác nhau. Trước tình hình quá tải trường lớp, khó khăn càng nhân lên. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các trường đều đã nhận số lượng trẻ vượt công suất thiết kế, dẫn tới phải tận dụng phòng chức năng, phòng họp... làm phòng học. Không chỉ vậy, với số lượng trẻ thực tế cần 82 GV nhưng huyện chỉ có 69 GV nên buộc phải tăng sĩ số trẻ ở các nhóm lớp khác, ưu tiên cho nhóm lớp từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi. Để có đủ GV đứng lớp, trước mắt, huyện đã cho phép 2 trường MN hợp đồng thêm 7 GV từ nguồn xã hội hóa. Theo đó, phụ huynh đóng góp thêm 80 ngàn đồng/tháng để chi trả lương cho GV hợp đồng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời giải quyết khó khăn cho năm học này.

Chia sẻ thêm những khó khăn từ phía các nhà trường, cô Cao Thị Hải, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Thơ cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của nhà trường là quá tải trường lớp và thiếu GV so với nhu cầu thực tế. Với nhóm từ 3 đến dưới 12 tháng, để bảo đảm an toàn cho trẻ, nhà trường không tăng sĩ số nên áp lực sĩ số dồn sang các nhóm trẻ ở độ tuổi lớn hơn, có nhóm lớp lên tới 37 trẻ/lớp. Nhà trường cũng đang ghép 2 nhóm lớp 25-36 tháng để dành phòng học cho nhóm từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi. Vài tháng tới, dự kiến, trẻ ở độ tuổi từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi tiếp tục tăng trong khi không được giao thêm biên chế GV khiến các nhà trường cảm thấy rất lo lắng. Còn cô Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương thì cho hay, do thiếu phòng học nên riêng với nhóm lớp từ 3 đến dưới 12 tháng tuổi, nhà trường đang phải dồn hai nhóm lại 1 phòng học. Cô Nhung cũng cho hay, GV nhóm lớp từ 3 tới dưới 12 tháng tuổi, tuy công việc vất vả hơn nhưng GV đứng lớp không có thêm phụ cấp mà chỉ được hưởng chế độ theo quy định chung.

Một tiết học của bé tại Trường MN Hướng Dương (huyện Côn Đảo). Ảnh: KHÁNH CHI
Một tiết học của bé tại Trường MN Hướng Dương (huyện Côn Đảo). Ảnh: KHÁNH CHI

CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho biết, hiện nay dự án hai trường MN công lập mới trên địa bàn huyện đã và sắp khởi công. Ngành giáo dục mong muốn hai dự án này sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng để tình trạng quá tải trường lớp, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất. Riêng vấn đề nhân sự, đề nghị tỉnh bổ sung đủ GV cho huyện Côn Đảo để công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho huyện để thu hút GV ra Côn Đảo làm việc và gắn bó lâu dài.

Cô Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương lại cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ thêm cho những GV đảm nhiệm nhóm lớp từ 3 tới dưới 12 tháng tuổi để động viên, khích lệ GV gắn bó với công việc.

KHÁNH CHI - MẠNH THẮNG

.
.
.