Ông Bàn từ tâm
Lẽ thường, khi cuộc sống vật chất đủ đầy, người ta mới nghĩ đến chuyện san sẻ cơm áo, chăm lo cho cộng đồng. Nhưng ông Vũ Kim Bàn (SN 1964, ở tổ 3, ấp 5, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) lại khác. Dù chỉ là một nhân viên bình thường, ngày ngày tất bật với lịch tăng ca, hết giờ làm lại lo chăm sóc vườn điều, ông vẫn tích cực với công tác xã hội.
Ông Vũ Kim Bàn với những bằng khen, giấy khen vì có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện. |
Chúng tôi đến nhà ông Bàn khi trời đã tối. Đón chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hường, vợ ông cho hay: “Ổng điện thoại về nói hôm nay không tăng ca nên sẽ về nhà trước 6 giờ tối. Vậy mà, giờ này vẫn chưa thấy đâu”. Trong lúc đợi ông, tôi có thời gian quan sát bộ sưu tập bằng khen, giấy khen treo ở phòng khách. Đếm sơ cũng hơn 50 cái. Cái thì tuyên dương “Gia đình văn hóa”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, cái là từ phong trào “Dân vận khéo”, “Đạt thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Chứng nhận tặng 200 suất quà cho người nghèo”… Trong đó có những tấm giấy khen đã ố vàng đề dòng chữ: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động lương thực” do huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh tặng. Bà Hường giải thích: “Ông ấy nhiều giấy khen lắm, nhưng chỉ cất trong tủ. Cuối năm vừa rồi, trong lúc dọn nhà đón Tết, phát hiện nhiều giấy khen bị mối mọt rách hết, ổng mới lồng kiếng đem trưng, coi như là một cách bảo quản đó, cô à”.
Ông Bàn quê gốc ở Hải Dương. Năm 1980, ông theo gia đình vào sinh sống tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Sau đó, năm 1989, ông thi đậu vào ngành Tài chính - Kế toán, Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Năm 1994, ông tốt nghiệp ra trường, cũng là lúc huyện Tân Thành (nay là TX.Phú Mỹ) vừa thành lập. Vậy là ông quyết định về đây lập nghiệp. Ông trải qua nhiều nghề, từ phụ hồ, đào mương, làm vườn, đến kế toán, quản lý nhân sự cho các công ty khai thác đá trên địa bàn xã Tóc Tiên và đến năm 2004, khi Nhà máy gạch men Nhà Ý khai trương, ông xin vào làm nhân viên thủ kho và gắn bó với công việc đến nay.
Câu chuyện đang giữa chừng thì ông Bàn về. Năm nay 54 tuổi, tóc ông đã hoa râm, nhưng dáng người ông rất rắn rỏi, giọng nói vang khỏe. Ông Bàn phân bua: “Tôi vừa vận động được nhà chùa 10 suất quà (mỗi suất 250 ngàn đồng). Trên đường đi làm về, tôi tranh thủ phát phiếu nhận quà cho 2 gia đình nghèo trong ấp để sáng mai họ kịp đến chùa nhận quà. Cô thông cảm nhé”.
Việc tranh thủ sau hoặc trước giờ làm để đi vận động, quyên góp tiền, quà cho những gia đình nghèo, bất hạnh là việc làm thường xuyên của ông. Ông kể, trên địa bàn xã Tóc Tiên nơi ông sinh sống nói riêng và TX.Phú Mỹ nói chung, nhiều người dân di cư từ nơi khác vào lập nghiệp, trong đó, còn nhiều gia đình chưa có sinh kế bền vững, đời sống khó khăn. “Tôi cũng là người nhập cư nên thấu hiểu nỗi cơ cực, nhọc nhằn của người tha hương lập nghiệp. Hơn nữa, tôi may mắn hơn họ vì có nhà, có đất và việc làm ổn định. Tôi ăn chay trường nhiều năm nay và giác ngộ được đạo lý “nhường cơm sẻ áo”, “thương người như thể thương thân”, nên tâm niệm giúp ai được gì cho họ bớt khốn khó là tôi làm”, ông Bàn tâm sự.
Từ suy nghĩ đó, hơn 20 năm nay, năm nào ông cũng vận động khoảng 200 phần quà và trích từ thu nhập của gia đình thêm 200 phần quà nữa (trị giá mỗi phần 250 ngàn đồng) tặng bà con nghèo. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ thường xuyên cho 10 cụ già neo đơn trong ấp 5, xã Tóc Tiên với mức 300 ngàn đồng/người/tháng. Chưa kể, vào những ngày Rằm lớn trong năm như: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy, ông lại tổ chức nấu 200 suất ăn miễn phí cho người nghèo trong xã. Qua thông tin từ các nhà chùa, các tổ chức xã hội của địa phương, hễ nghe ở đâu có người nghèo, khó khăn đột xuất ông lại ngược xuôi vận động quà, tiền giúp đỡ.
Ông Phạm Đức Tùng (ấp 5, xã Tóc Tiên) có mẹ, vợ và em trai bị liệt. Ông Tùng là lao động chính nhưng việc làm thuê mướn không ổn định nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. “Nhiều năm qua, ông Bàn hỗ trợ thường xuyên cho gia đình tôi 250 ngàn đồng và 10 kg gạo/tháng. Dịp lễ, tết, ông Bàn còn cho thêm nhu yếu phẩm. Nghĩa cử cao đẹp của ông Bàn giúp gia đình tôi không phải lâm vào cảnh thiếu ăn”, ông Phạm Đức Tùng xúc động nói.
Ông Vũ Kim Bàn (trái) trao phiếu nhận quà cho ông Phạm Đức Tùng (ấp 5, xã Tóc Tiên) có mẹ, vợ và em trai bị liệt. |
Không chỉ tích cực với công tác xã hội, ông Bàn còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương năm 2017. Năm 2016, ông thuê 1ha đất trồng điều cao sản ở xã Tóc Tiên. Qua truyền hình, ông biết đến giống điều bonsai, thời gian cho hạt chỉ từ 8 đến 10 tháng sau khi trồng, lại cho thu hoạch nhiều lần trong năm nên đã mua giống về trồng. Hiện nay, vườn điều này mỗi năm mang về cho ông lợi nhuận 80 triệu đồng. Nhờ đó, ông có thêm kinh phí cho hoạt động từ thiện của mình.
Tấm lòng thương người của ông còn lan tỏa đến bà Hường, vợ ông. Bà Hường hiện làm công nhân chế biến hạt điều tại Công ty Nam Long (xã Tân Phước, TX.Phú Mỹ). Sau giờ làm, bà tích cực hỗ trợ chồng trong các hoạt động từ thiện, đồng thời còn nhận day ấn huyệt miễn phí cho mọi người. Các con của ông bà thấy việc làm ý nghĩa của ba mẹ cũng luôn sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho ba mẹ làm việc thiện.
Ông Lê Xuân Nội, Bí thư Đảng ủy xã Tóc Tiên nhận xét: “Nhiều năm qua, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã được gia đình ông Vũ Kim Bàn giúp đỡ vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn. Việc làm của gia đình ông Vũ Kim Bàn đã góp phần chung tay cùng chính quyền chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Gia đình ông Vũ Kim Bàn là tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu tại địa phương xứng đáng được biểu dương, nhân rộng”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN