Vợ ơi, nhanh tay lên
Em có tính chậm chạp. Việc gì cũng thủng thẳng mà làm, không bao giờ chịu khẩn trương, hăng hái. Em thường bảo: “Cái gì cũng phải từ từ! Vội làm chi, người ta xong trước thì mình xong sau. Trước sau gì cũng hoàn thành thôi mà!”. Anh sợ với cái triết lý sống ấy của em luôn.
Trong công việc, em cứ mặc thời gian trôi, cũng chẳng nghĩ đến kết quả, mà chỉ làm cho có với thái độ thủng tha thủng thẳng. Dù biết rằng em chỉ làm việc ở nhà, tự do, nhưng nó sẽ tác động đến sinh hoạt gia đình. Này nhé, cứ nhặt rau là em từ từ mà làm, mặc cho nồi nước canh đang sôi ùng ục. Đến lúc anh thấy, vội nhảy vào phụ, em chẳng những không vui mà còn bảo anh nhặt rau ẩu tả. Lẽ ra em nên biết tính toán khi nào nhặt rau xong mà nấu nồi canh cho kịp thời gian. Em lãnh hàng gia công về nhà làm rồi bỏ mặc đó, chủ hàng gọi điện hối thúc nhiều lần thì em nổi quạu, gây gổ với người ta. Làm như thế sao tạo được uy tín, hợp tác lâu dài đây? Trời đổ mua, đồ phơi ngoài sào sắp ướt, em cứ nhẹ nhàng, từ tốn mà lấy từng cái như thể sợ làm đau áo quần. Đến khi mưa nặng hạt, ập xuống như trút nước, em mới quáng quàng gom vô.
Trong sinh hoạt thường nhật cũng chẳng khá hơn. Mỗi lần em chở con đi học là coi như con trễ giờ vào lớp. Không phải anh nói em chạy xe chậm, mà tâm lý em bị chi phối. Cứ chạy trên đường thấy cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép là em giảm tốc độ đến mức chiếc xe gần như đứng yên, quên mất nhiệm vụ chính là gì. Chuyện trễ giờ cũng rơi vào những trường hợp đi ăn cưới, liên hoan, sinh nhật... Lúc nào trước hơn 3 giờ ghi trong thiệp anh đều nhắc nhở em, nhưng em không quan tâm. Em tắm rửa, trang điểm, mặc quần áo đẹp soi gương hàng giờ. Thành ra 3 giờ ấy vẫn không đủ trừ hao cho kẹt xe. Lúc nào đến nơi cũng thấy nhiều cặp mắt khó chịu hướng về vợ chồng mình. Thật ngại quá đi. Đó là chưa nói những lần tham gia phụ giúp nội trợ tiệc tùng bên nội, bên ngoại, em cũng mặc tình xung quanh mình ra sao, cứ nhởn nhơ mà làm. Họ hàng hai bên góp ý, anh chỉ biết cười giả lả cho qua chuyện.
Anh không buộc em phải nhanh nhẹn, hỏa tốc, khẩn trương. Anh nói ra cũng không phải để bêu xấu em, mà thực tế nó đã hiện diện như thế đến mức không thể chịu đựng được. Đến nỗi hai đứa con mình cũng nói: “Mẹ làm cái gì cũng chậm hết”. Nhiều lần anh góp ý nhưng em không chịu thay đổi, cho rằng anh quan trọng hóa vấn đề và không tôn trọng phong cách sống của em. Thói quen này đâu có khó bỏ. Chỉ cần em nhanh một tý, biết tính toán thời gian hợp lý và có một chút lo xa thì mọi chuyện sẽ thay đổi tích cực ngay. Mỗi ngày một ít, chắc chắn trong một thời gian ngắn, em sẽ là người vợ, người mẹ chẳng những đảm đang mà còn nhanh nhẹn, linh hoạt trong mọi vấn đề.
NGUYỄN THANH VŨ