.

"Gỡ rối" tâm lý tuổi học trò

Cập nhật: 09:27, 02/11/2018 (GMT+7)

Lứa tuổi HS, nhất là các em ở tuổi mới lớn thường có nhiều băn khoăn, rắc rối về tâm lý, cần được tháo gỡ, chia sẻ. Thấu hiểu điều này, những năm qua, các trường học trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã chú trọng công tác tư vấn tâm lý cho HS. Nhờ đó, nhiều trường hợp được giải tỏa kịp thời, vượt qua vướng mắc, tiếp tục học tập tốt. 

NGỔN NGANG NỖI NIỀM

Sáng 30-10, chúng tôi đến phòng tư vấn tâm lý của Trường THCS Phước Thắng, đúng lúc cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường đang trò chuyện với H. - một HS nữ lớp 9. H. cho biết, em luôn cảm thấy đau đầu, mệt mỏi khi nghĩ đến việc học, ngày nào có bài kiểm tra là em muốn… ngất xỉu. H. vốn là một HS ngoan ngoãn, học lực khá, giỏi nhưng bắt đầu có biểu hiện sợ học từ cuối năm học trước. Gần đây, H. thường xuyên nghỉ học, nhất là những ngày có giờ kiểm tra. Mẹ H. cho biết, em hay than đau đầu, chóng mặt nên xin nghỉ ở nhà. “Càng ngày, tần suất đau đầu của em càng nhiều. Điều đáng chú ý, ngoài việc “sợ học”, H. vẫn vui vẻ chơi đùa cùng các bạn, trong khi gia đình cũng không có gì xáo trộn. Một mặt, chúng tôi trò chuyện, động viên em, mặt khác khuyên phụ huynh đưa em đi thăm khám và can thiệp càng sớm càng tốt”, cô Châu nói.  

Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng trò chuyện với HS trong phòng tư vấn tâm lý học đường.  Ảnh: MINH QUANG
Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng trò chuyện với HS trong phòng tư vấn tâm lý học đường.

Hai tháng trước, cô Châu cũng từng tư vấn cho một HS bị bất ổn tâm lý vì buồn chuyện gia đình. Một buổi sáng đến trường sớm, cô Châu bắt gặp T. ngồi ở ghế đá, đang uể oải nhai bánh mì. Quan sát thấy em không chú ý đến mức nhai luôn cả vào tờ giấy gói bánh mà không biết, cô Châu liền tới gần, hỏi chuyện. T. òa khóc. Thì ra mẹ T. đã nộp đơn ly dị vì nghi ngờ ba ngoại tình. Cô Châu khuyên em viết thư cho ba, nói rõ tâm sự và mong muốn của mình. “Mấy ngày sau, T. đến gặp tôi, khuôn mặt vui tươi và khoe ba em đã về nhà sớm hơn, cùng cả nhà ăn tối. Mẹ em đã rút đơn ly dị, không khí gia đình cũng bình yên hơn. Giờ đây, T. học tập rất chăm chỉ và vui vẻ hơn trước nhiều”, cô Châu chia sẻ.

Tại Trường THCS Nguyễn An Ninh, nhiều HS cũng thường xuyên đến phòng tư vấn tâm lý. Em thì nhờ GV tư vấn làm sao để thích học các môn khác ngoài môn Toán. Em khác thì nhờ GV tâm sự chuyện mâu thuẫn với mẹ vì gia đình có bà ngoại đến chơi. Bà ngoại kỹ tính trong khi em được cưng chiều nên có những phản ứng chống đối, như: đến bữa không ăn cơm cùng gia đình, đi học về lầm lì không chào hỏi người lớn. Ngoài ra, những thắc mắc về tình cảm giới tính, về chuyện ba mẹ không hiểu con… cũng được nhiều em giãi bày với GV tâm lý. 

Cô Bùi Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh trò chuyện với 2 HS lớp 9 về việc thi tuyển vào THPT và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Cô Bùi Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh trò chuyện với 2 HS lớp 9 về việc thi tuyển vào THPT và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

LẮNG NGHE VÀ CHIA SẺ

Từ đầu năm học 2018-2019, nhiều trường TH, THCS trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã bố trí phòng tư vấn tâm lý học đường. Thực tế, hoạt động tư vấn tâm lý cho HS đã được các nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua, nhằm giúp đỡ HS gặp vướng mắc về tâm lý. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường không tập trung vào việc trị liệu hay can thiệp mà chú trọng ở công tác dự phòng và can thiệp sớm. Hầu hết các trường phân công GV, hoặc cán bộ Đoàn, Đội có khả năng tư vấn tâm lý hoặc mời chuyên gia về tư vấn, trò chuyện giao lưu định kỳ với HS theo các chuyên đề. Chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp HS giải tỏa vướng mắc. 

Theo cô Châu, ở lứa tuổi THCS, các em có những thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Đó là sự rung động trước một người bạn khác giới, sự thay đổi về mặt sinh học trong cơ thể, là tâm tư bối rối khi gia đình trục trặc… “Khi phát hiện HS có biểu hiện khác thường, GV có thể ân cần trò chuyện, khơi gợi để các em bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, từ đó giúp các em vượt qua”, cô Châu chia sẻ kinh nghiệm. Đối với những vấn đề mang tính riêng tư, GV tư vấn riêng cho HS đó, còn những vấn đề mang tính chung chung như thắc mắc về giới tính, tâm sinh lý, bạo lực học đường… thì không chỉ trả lời riêng, trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, các tiết sinh học, GV sẽ lồng ghép những nội dung này để phổ biến đến HS nhằm trang bị thêm kiến thức cho các em.

Thầy Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho hay, những vướng mắc phổ biến của HS như: Căng thẳng trong học tập; xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; lúng túng trong định hướng nghề nghiệp... cần được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời. Hiện nay, các trường TH, THCS trên địa bàn TP.Vũng Tàu đều có phòng tư vấn tâm lý, GV được tập huấn nghiệp vụ tâm lý. Tuy nhiên, hầu hết các trường không có GV tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học nên cũng gặp khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn cho HS. Ngoài ra, phần lớn HS còn tâm lý e ngại, sợ người khác biết được những vướng mắc của mình nên có xu hướng giữ kín trong lòng, càng làm cho vấn đề tâm lý thêm nghiêm trọng. Vì vậy, để HS chịu giãi bày, GV phải có kinh nghiệm, gần gũi học trò, có sự liên hệ chặt chẽ với phụ huynh HS. Khi trò chuyện với các em, GV có thể đóng nhiều vai: vừa là thầy cô, vừa là phụ huynh, lại vừa là bạn bè, người hướng dẫn… từ đó có sự đồng cảm, thấu hiểu tâm lý các em và giải thích để các em hiểu và có suy nghĩ tích cực. 

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.